1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Độc đáo buôn cổ giữa lòng Tây Nguyên

(Dân trí) - Ít có buôn làng nào trên đất Tây Nguyên hiện nay con lưu giữ được hàng chục bộ cồng chiêng, bộ ché, nhiều ngôi nhà dài truyền thống và gìn giữ được nhiều nét văn hóa đậm chất Tây Nguyên như buôn M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Không ai biết chính xác buôn M’liêng được khai sinh từ lúc nào, đã bao nhiêu mùa rẫy nhưng dấu tích rêu phong, cổ kính cùng những giá trị văn hóa vật chất - tinh thần lưu giữ lại tại buôn cho thấy đây là một buôn cổ được thai nghén từ rất lâu. Hoàn toàn đối lập với không khí phố xá sôi động của thị trấn Liên Sơn cách đó khoảng 2km, buôn M’liêng mang dáng dấp một buôn cổ nguyên sơ như một Tây Nguyên thu hẹp hàng trăm năm trước. Một người phụ nữ M’nông để lộ bầu ngực căng tròn ngồi trước hiên nhà thủ thỉ mớm sữa cho con. Trâu bò gọi đàn vang lên từng hồi giữa không gian cổ kính nghe thật lạ tai. Từ đầu đến cuối buôn nhà dài truyền thống nằm liền kề san sát. Ghé mắt nhìn xa xa, trong những ngôi nhà dài, một vài phụ nữ vẫn chăm chỉ bên khung cửi thổ cẩm. Chính những điều này đã khiến buôn M’liêng lâu nay khác biệt so với các buôn khác trong số các buôn làng Tây Nguyên hiện nay.

Nhà dài truyền thống của người đồng bào M’nông tại buôn M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk.
Nhà dài truyền thống của người đồng bào M’nông tại buôn M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà dài đơn sơ, ông Y Thon Ênuôl - trưởng buôn M’liêng cho biết, toàn buôn hiện có tất cả 132 hộ dân là người đồng bào M’nông sinh sống. Tuy trải qua nhiều thăng trầm biến động, nhưng hiện nay buôn M’liêng vẫn lưu giữ được gần 90 ngôi nhà dài. Trong đó, nhiều ngôi nhà dài được kết cấu hoàn toàn bằng nguyên liệu tre nứa, mái lợp cỏ tranh theo phong cách truyền thống. Đặc biệt, người M’nông ở đây gia đình nào cũng có hơn chục bộ ché đầy ắp rượu cần chưng cất trong kho chờ mùa lễ hội; có ghế Kpan ngồi đánh chiêng; những chiếc trống bằng da trâu đồ sộ... “Ở buôn M’liêng gia đình nào cũng có ché. Nhà nào ít nhất cũng có từ 5 đến 7 bộ ché. Gia đình nào lâu đời cũng có cả chục bộ ché lớn nhỏ đủ loại. Ché nhỏ ủ rượu từ 7 đến 15 ngày là có thể dùng được. Loại lớn bà con ủ hơn một tháng. Khi có hội hè, đình đám bà con lại đem ra sử dụng”, ông Y Thon Ênuôl nói.

Nhà dài truyền thống của người đồng bào M’nông tại buôn M’liêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, Đắk Lắk.

Buôn M’liêng là một trong những buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn lưu lại ngôi nhà dài tương đối lớn cùng nhiều nhiều nét văn hóa truyền thống đậm chất Tây Nguyên.

Bên cạnh những ngôi nhà dài truyền thống độc đáo, nhiều bộ ché đầy ắp rượu ngon, buôn M’liêng còn lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng giá trị. Sau một hồi bên chum rượu cần, ông Y Thon Ênuôl dẫn chúng tôi thực chứng hơn 30 bộ chiêng được lưu giữ trong một ngôi nhà dài ở đầu buôn. Chiêng lớn, chiêng nhỏ nằm san sát đủ loại. Nằm bên cạnh là chiếc ghế Kpan dùng để đánh chiêng dài hàng chục mét. Đặc biệt, số chiêng này được cất giữ chu đáo như những báu vật quý hiếm. Chỉ khi đến mùa lễ hội, chiêng được mang ra cho mọi người vui chơi, múa hát tưng bừng bên những làn điệu dập dềnh được xướng lên từ các nghệ nhân. Còn ngày thường, chỉ trừ những vị khách đặc biệt, không phải ai đến đây cũng được ngắm nhìn tận mắt các bộ chiêng nếu không có trưởng buôn hay già làng “hộ tống”.

Ông Y Thon Ênuôl - trưởng buôn M’liêng - bên bộ chiêng quý hiếm của buôn.

Ông Y Thon Ênuôl - trưởng buôn M’liêng - bên bộ chiêng quý hiếm của buôn.

“Khi đến mùa lễ hội, đình đám, chiêng mới được mang ra sử dụng. Các nghệ nhân sẽ trổ hết tài nghệ mang lại những làn điệu hay nhất cho bà con trong buôn thưởng thức, múa hát tưng bừng. Hiện buôn có 2 đội đánh chiêng gồm 22 nghệ nhân. Chia làm một đội của nghệ nhân lớn tuổi (11 người) và một đội của thế hệ trẻ (11 người). Gìn giữ nhà dài, chiêng, ché cũng là cách bảo tồn nếp văn hóa của tổ tiên”, ông Y Thon Ênuôl cho biết.

Trưởng buôn
Trưởng buôn Y Thon Ênuôl nói: “Gìn giữ nhà dài, chiêng, ché cũng là cách bảo tồn nếp văn hóa của tổ tiên”.

Về giá trị của các bộ chiêng, bộ ché, theo các người lớn tuổi trong buôn M’liêng, khi xưa tại buôn M’liêng giá trị của các bộ chiêng, ché được ngang giá bằng trâu, bò. Thường thường, nhiều trâu, bò mới đổi được 1 cái chiêng hoặc ché. Như mỗi bộ chiêng gồm 8 cái, trong đó, có 6 cái chiêng nhỏ, 2 chiêng lớn. 6 chiêng nhỏ được đổi bằng 1 con trâu hoặc 2 con bò. 2 cái chiêng lớn tương đương 4 con trâu hoặc 8 con bò.

Hiện nay, diện mạo buôn M’liêng ngày càng được thay đổi, đời sống bà con từng bước được nâng cao. “Bộ mặt của buôn hiện nay đã tạm ổn. Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm, hiện nay buôn đã có điện, đường, trường, trạm. Bà con cũng phấn khởi lắm!”, Y Thon Ênuôl - trưởng buôn M’liêng vui mừng cho biết.

Tại buôn M’liêng,

Tại buôn M’liêng, gia đình nào cũng có ché. Nhà nào ít nhất cũng có từ 5 đến 7 bộ ché. Gia đình nào lâu đời cũng có cả chục bộ ché lớn nhỏ đủ loại.                      

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trương Bi - PGĐ Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, buôn M’liêng là một trong những buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn lưu lại ngôi nhà dài tương đối lớn. Trước đây Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tiến hành phục dựng tại buôn M’liêng 6 ngôi nhà dài, xây dựng mới 1 nhà văn hóa cộng đồng, cấp 30 bộ chiêng các lọai, tổ chức phục hồi đội văn nghệ dân gian.
 
“Mặc dù là một trong những buôn còn gìn giữ được nếp nhà dài nhưng hiện nay ngôi nhà dài tại buôn M’liêng đã biến đổi ít nhiều. Tuy nét truyền thống, nét cổ đã mất đi nhưng cái “thần” vẫn là nhà dài. Điều này cho thấy nếu không bảo tồn nhà dài, khoảng 5 năm nữa nhà dài cũng sẽ biến mất”, ông Trương Bi nói.

Viết Hảo