Độc đáo bản đồ Việt Nam kết từ 5.000 chậu sen, lớn nhất từ trước đến nay
(Dân trí) - Lễ hội Sen năm 2024, tỉnh Đồng Tháp đã sử dụng 100.000 chậu hoa sen, tạo nên nhiều khung cảnh ấn tượng như bản đồ Việt Nam kết bằng hoa sen, dòng sông sen, sân khấu sen hoành tráng.
Đêm 16/5, tỉnh Đồng Tháp khai mạc Lễ hội Sen năm 2024 với chủ đề "Rạng ngời sắc Sen", sự kiện diễn ra tại TP Cao Lãnh. Đây là lần thứ 2 Lễ hội Sen được tỉnh Đồng Tháp tổ chức, với mục đích tôn vinh nghề trồng sen và nâng cao giá trị cây sen, cây biểu tượng của tỉnh.
Lễ hội Sen năm 2024 kéo dài từ ngày 16 đến ngày 19/5, với 30 hoạt động đặc sắc.
Ban tổ chức cho biết, 100.000 chậu sen đã được huy động để trang hoàng cho lễ hội. Những chậu sen này đều được nông dân trồng sen ở Đồng Tháp chuẩn bị từ nhiều tháng trước.
Ấn tượng và thu hút nhiều bậc nhất sự quan tâm của du khách là bản đồ Việt Nam được làm từ 5.000 chậu hoa sen. Ban tổ chức cho biết, đây là bản đồ Việt Nam làm từ chậu sen lớn nhất từ trước tới nay. Bản đồ được đặt nổi bồng bềnh giữa hồ Văn Miếu, TP Cao Lãnh.
Sân khấu tổ chức lễ khai mạc cũng gây ấn tượng khi được trang hoàng bởi 5.000 bông sen tươi.
Trong khuôn khổ lễ hội cũng diễn ra các hoạt động như trưng bày ảnh nghệ thuật về sen, không gian phố ẩm thực sen, hội chợ, không gian trưng bày chuỗi ngành hàng sen… thu hút hàng vạn du khách.
Ở Lễ hội Sen lần thứ nhất năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đón trên 100.000 lượt khách, thu về trên 60 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, ban tổ chức kỳ vọng lễ hội năm nay với quy mô lớn hơn cũng sẽ mang về hiệu quả tích cực cho ngành sen về nền kinh tế của tỉnh.
Sen là một trong những cây trồng chủ lực, biểu tượng của Đồng Tháp, với diện tích khoảng 1.800ha. Nông dân Đồng Tháp trồng sen để lấy củ, hoa, lá, hạt… Từ nguyên liệu sen, đã có 56 sản phẩm đặc trưng, nổi bật như trà ướp sen, tranh sen, lụa sen mang thương hiệu Đồng Tháp ra đời.
Tỉnh Đồng Tháp đang tích cực thúc đẩy để các sản phẩm từ sen tiếp cận được thị trường quốc tế. Mới đây, lô 15 tấn củ sen đầu tiên ở Đồng Tháp đã xuất khẩu thành công sang Nhật Bản.