"Độc chiêu" nuôi cá mùa nước nổi
(Dân trí) - Đến mùa nước nổi, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nuôi cá mà chẳng hề cần thức ăn nhưng cá vẫn lớn nhanh, hiệu quả cao. Mô hình này được xem là "độc chiêu" vì tận dụng được nguồn tài nguyên thiên nhiên mà khó nơi nào có được.
Những ngày này, đi khắp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hầu như nơi nào nước cũng ngập tràn đồng. Người dân tận dụng những cánh đồng nước bao la để rào lưới, nuôi cá mà chẳng hề cho ăn bất cứ một loại thức ăn gì.
Nhiều nông dân ở các tỉnh, thành khác cũng không làm lúa vụ 3 mà chuyển hẳn sang nuôi tôm, cá không cần thức ăn. Nông dân Nguyễn Văn Lý ở xã Thông Bình (Tân Hồng, Đồng Tháp) cũng thả cá giống rồi giăng lưới xung quanh để cá lớn tự nhiên, tới khi lũ rút chỉ việc bắt cá đem bán.
Theo mô hình nói trên, thức ăn của cá chính là rơm rạ, lúa chét có sẵn trong ruộng. Chỉ 3 - 4 tháng, cá đã cho thu hoạch với năng suất trung bình 900 kg - 1,2 tấn/ha. Trừ các khoản chi phí, người nuôi cũng thu lãi từ 7 đến 8 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt mô hình nuôi cá ruộng này sau khi thu hoạch xong, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng giúp cho vụ lúa Đông Xuân giảm được rất nhiều chi phí về tiền phân bón và sâu bệnh, đem lại năng suất cao cho người nông dân.
Ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Với mô hình nuôi cá trên ruộng này người dân chỉ cần đầu tư con giống ban đầu, không phải tốn tiền mua thức ăn và nhiều công chăm sóc trong khi cá vẫn lớn nhanh. Sau khi vụ hè thu kết thúc, người dân không cắt hết gốc rạ mà để vậy cho lúa chét tiếp tục mọc lên để làm thức ăn cho cá sau này. Tuy nhiên cái lợi lớn nhất của mô hình này không chỉ ở thu nhập từ nuôi cá mà quan trọng là qua vụ cá này tạo cho đất màu mỡ và nhiều chất dinh dưỡng hơn nên vụ đông xuân tới rất trúng".
Đây là mô hình chăn nuôi "độc chiêu" chỉ có ở vùng sông nước Cửu Long, đem lại cuộc sống ấm no cho hàng ngàn nông dân trong mùa nước nổi.
Phạm Tâm