1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Ngãi:

Doanh nghiệp thất hứa, chính quyền chi 160 tỷ đồng xây chợ mới

(Dân trí) - Trước vụ cháy chợ Quảng Ngãi (9/2/2012), Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (đơn vị quản lý chợ Quảng Ngãi) hứa đầu tư xây Trung tâm thương mại chợ Quảng Ngãi. Đến nay, chủ đầu tư chỉ xây dựng phần khung và xin “rút lui” đầu tư tại vị trí bị cháy.

Vật vã bên chợ tạm

Vào tháng 10/2011, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi khởi công và đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại chợ Quảng Ngãi (2 khu trên nền chợ cháy giáp đường Nguyễn Nghiêm và phía Bắc chợ cháy giáp đường Lê Trung Đình). Sau quyết định đầu tư mới này, vào tháng 2/2012, chợ Quảng Ngãi (cũ) bất ngờ bốc cháy, thiêu rụi 150 tỷ đồng hàng hóa của tiểu thương.

Hàng ngàn tiểu thương kinh doanh trong chợ bị cháy chờ xây chợ mới dài cổ.

Hàng ngàn tiểu thương kinh doanh trong chợ bị cháy chờ xây chợ mới dài cổ.

Với tình thế trước mắt, chủ đầu tư xây dựng chợ tạm, với những ki-ốt bằng lớp tôn mong manh và bạt che mái hiên. Trải qua hơn 2 năm, 1.200 hộ tiểu thương vật vã dưới cái nắng oi bức và mùa mưa bão.

Tiểu thương Bùi Thị Một bức xúc: “Khi đến mùa nắng, ngồi trong ki-ốt lợp mái tôn như thế này chẳng khác gì ngồi trong lò lửa, còn đến mùa mưa kèm theo gió nhẹ lật mái tôn kêu inh ỏi, khách đi chợ không có chỗ để mà núp mưa. Hơn 2 năm qua, chúng tôi ngán với cảnh mưu sinh vật vã, kinh doanh luôn ế ẩm như vậy”.

Các ki-ốt trong chợ tạm đìu hiu khách vì nắng nóng và nằm xa khu trung tâm.

Các ki-ốt trong chợ tạm đìu hiu khách vì nắng nóng và nằm xa khu trung tâm.

Các tiểu thương buôn bán hàng khô gồng mình núp trong ki-ốt, đối với mặt hàng tươi sống, người đi buôn đều bày biện ra giữa lối đi vào chợ và đoạn đường Phạm Văn Đồng để dễ mời khách hàng, tránh ôi thiu vì trời nắng nóng cháy da.

Bức xúc trước tình trạng bất cập, ế ẩm trong chợ tạm, nhiều tiểu thương đành ngậm ngùi ra ngoài thuê mặt bằng, tiện giới thiệu và kinh doanh có hiệu quả hơn. Đặc biệt, chủ yếu là mặt hàng quần áo, giày dép và mỹ phẩm. Đây là những mặt hàng dễ cháy khi nắng nóng kéo dài. Với thiết kế của chợ tạm, nếu xảy ra hỏa hoạn, xe cứu hỏa cũng khó tiếp cận bên trong chợ tạm.

Tiểu thương Lê Thị Dạ Thảo bày tỏ: “Khi chuyển đến chợ tạm, phía Công ty hứa xây xong chợ mới vào năm sau (2013), chờ mãi đến nay vẫn chưa thấy gì. Bây giờ lại nghe Công ty không làm nữa, không biết chúng tôi trụ nổi ở chợ tạm này đến bao giờ?” 

Chi 160 tỷ đồng giải cứu 1.200 tiểu thương
 
Chủ đầu tư rút lui xây dựng trên phần chợ bị cháy, khiến hàng ngàn tiểu thương bức xúc khi tiếp tục bám trụ ở chợ tạm. Chính vì đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa thống nhất giao cho UBND TP Quảng Ngãi làm chủ đầu tư xây dựng chợ Quảng Ngãi, trên nền chợ cháy giáp đường Nguyễn Nghiêm.
Chủ đầu tư mới xây dựng một phần rồi dừng lại và xin rút đầu tư trên nền chợ bị cháy.

Chủ đầu tư mới xây dựng một phần rồi dừng lại và xin rút đầu tư trên nền chợ bị cháy.

Hiện nay, UBND TP Quảng Ngãi đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh và xin ý kiến HĐND tỉnh thông qua trong năm 2014. Nếu được phê duyệt, UBND TP Quảng Ngãi tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2016.
Chủ đầu tư mới xây dựng một phần rồi dừng lại và xin rút đầu tư trên nền chợ bị cháy.

Thiết kế xây dựng chợ Quảng Ngãi trên nền chợ bị cháy vào năm 2012, do UBND TP Quảng Ngãi đầu tư 160 tỷ đồng.

Theo thiết kế, chợ Quảng Ngãi xây dựng với tiêu chuẩn chợ loại 1, trên diện tích 5.960m2 và 950 ki-ốt bán mặt hàng khô. Quy mô thiết kế 1 tầng hầm, 3 tầng lầu với chức năng gửi xe, kho hàng, kinh doanh hàng hóa, khu dịch vụ ăn uống – vui chơi – giải trí, khu điều hành của Ban quản lý. Tiến độ thực hiện từ năm 2014 – 2017, với tổng vốn đầu tư 160 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Ngãi và huy động khác.

Vì sự “thất hứa” của chủ đầu tư (Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi) với hàng ngàn tiểu thương, UBND TP Quảng Ngãi “bấm bụng” chi 160 tỷ đồng xây chợ mới nhằm giải cứu 1.200 hộ tiểu thương đang vật vã mưu sinh trong chợ tạm.

Hồng Long