1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Doanh nghiệp “quỵt” tiền bảo hiểm sẽ bị quy trách nhiệm hình sự

(Dân trí) - Hàng loạt doanh nghiệp đang lách luật, trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có hành vi chiếm dụng tiền lương trích đóng BHXH, BHYT của người lao động sẽ bị quy trách nhiệm hình sự.

Bảo hiểm Xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT) là hai chính sách an sinh xã hội đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện bảo hiểm của người lao động còn nhiều tồn tại.

Thống kê sơ bộ của UBND TPHCM cho thấy, toàn thành phố chỉ có 37% lực lượng lao động tham gia BHXH, 33% tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó đối tượng bắt buộc tham gia BHXH mới đạt 83%. Số người chưa tham gia bảo hiểm chủ yếu nằm trong các doanh nghiệp nhỏ lẻ, sử dụng ít lao động, quan hệ tiền lương, tiền công chưa rõ ràng và thường xuyên biến động.

Người lao động chịu nhiều rủi ro khi bị doanh nghiệp quỵt tiền bảo hiểm

Người lao động chịu nhiều rủi ro khi bị doanh nghiệp "quỵt" tiền bảo hiểm

Ngày 25/9, trao đổi với báo giới, bà Quan Gia Bình, Phó Giám đốc văn phòng B - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Số người tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động và khoảng 80% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù có đối tượng thuộc diện tham gia rộng, tuy nhiên trên thực tế số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp chỉ chiếm khoảng 0,22% số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện.

Theo phân tích của bà Gia Bình, quy trình triển khai BHXH còn tồn tại nhiều hạn chế bởi việc nắm bắt, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan như BHXH Việt Nam, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Thuế, Lao động - Thương binh xã hội. Thực tế trên khiến tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.

Hàng tháng, người lao động bị trừ trực tiếp tiền BHXH vào thu nhập, họ không có lỗi trong việc chậm nộp BHXH nhưng lại là người chịu rủi ro khi người sử dụng lao động vi phạm. Song Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định trực tiếp tội danh trốn tránh nghĩa vụ BHXH nên rất khó cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong quá trình điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân vi phạm Luật BHXH.

Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng số tiền đã trích từ thu nhập của người lao động để đóng BHXH cho người đó mà không chịu nộp cho cơ quan BHXH sau khi đã bị cơ quan này yêu cầu nộp, thì phải bị xử lý theo tội sử dụng trái phép tài sản của người khác quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự.

Doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm, người lao động không được hưởng quyền lợi chính đáng một phần là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở, thiếu quan tâm phối hợp, đôn đốc đúng mức trong công tác tuyền truyền, vận động. Các cấp chính quyền cơ sở chưa vào cuộc, xem nhẹ việc phát triển bảo hiểm cho người dân.

Để ngăn chặn tình trạng trên, UBND TPHCM đã có văn bản yêu cầu Bảo hiểm Xã hội, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh & Xã hội phối hợp với các sở ngành liên quan bổ sung quy định buộc người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Quy trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có hành vi chiếm dụng tiền lương trích đóng BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp vào quỹ.

Vân Sơn