1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

"Doanh nghiệp hóa" các PMU, điều tất yếu?

Sau hàng loạt những sai phạm của PMU18, những khoảng trống pháp lý cho hoạt động của các PMU lộ rõ. Việc chuyển đổi PMU là điều tất yếu phải đến?

Rất khó để định nghĩa một PMU

 

Bộ GTVT đang nghiên cứu dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi các PMU thành các Công ty tư vấn quản lý dự án.

 

Ban quản lý các dự án 18 (PMU18), trực thuộc Bộ GTVT được thành lập theo quyết định số 1675QĐ/TCCB - LĐ ngày 23/8/1993 của Bộ GTVT.

 

Theo chức năng ghi trong quyết định thành lập, PMU18 thay mặt chủ đầu tư quản lý quá trình đầu tư và xây dựng các công trình giao thông do Bộ GTVT giao; giao dịch, tiếp xúc với các tổ chức trong và ngoài nước để tìm nguồn vốn cho các dự án do PMU18 trực tiếp quản lý.

 

Nhưng sau hơn 10 năm thành lập, sau hàng loạt sai phạm bị phanh phui trong thời gian vừa qua mới thấy quá nhiều lỗ hổng pháp lý trong hoạt động của PMU18 nói riêng và các PMU khác nói chung.

 

Bản thân PMU18 không phải là doanh nghiệp, không phải nghĩ đến chuyện lỗ lãi qua mỗi dự án. Nhưng PMU18 lại là cơ quan nhà nước quản lý một khối lượng tiền khổng lồ vì là chủ dự án của nhiều công trình lớn có vốn hàng trăm triệu USD. Số tiền này chủ yếu là vốn vay của nước ngoài và của Ngân hàng Thế giới.

 

Nếu hiểu theo đúng nghĩa khi thành lập là Ban quản lý dự án thì PMU18 cũng không phải là đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Bộ GTVT. 

 

Ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng VN từng nói với báo giới: ''Các PMU thường nhiều quyền, ít trách nhiệm! Các PMU hiện nay là một hình thức tổ chức quản lý lỗi thời, mà đáng ra phải thay thế từ khi đổi mới''.

 

Theo ông Liêm, PMU18 thuộc Bộ GTVT, Bộ GTVT lại là cơ quan hành chính nên không thể làm chủ đầu tư. Từ trước tới nay, Bộ GTVT ủy quyền cho một đơn vị PMU làm chủ đầu tư. Trong khi đó, các PMU không phải là đơn vị sử dụng kết quả đầu tư!

 

Nhiều chuyên gia kinh tế, xây dựng và đầu tư cho biết, hoạt động của các PMU hiện nay không rõ ràng. Hoạt động của PMU không có người kiểm tra giám sát kết quả. Thực tế nhất, các PMU được Bộ GTVT giao quyền nhưng lại không có trách nhiệm. Điều này dẫn đến hệ quả, chất lượng công trình sau khi bàn giao có vấn đề gì thì đơn vị quản lý chịu tất!

 

Những lỗ hổng lớn trong hoạt động của các PMU là rõ ràng. Nhưng các cơ quan xây dựng luật, các cơ quan chức năng liên quan sẽ làm như thế nào để chuyển đổi các PMU sang một dạng khác một cách hợp lý?

 

Đến chuyện tất yếu chuyển đổi?

 

Sáng 22/3, ông Phạm Tăng Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GTVT) cho biết, Bộ trưởng Bộ GTVT đang giao cho Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu về việc chuyển đổi các PMU sang loại hình khác. 

 

Theo ông Lộc, thực ra không phải khi có hàng loạt những sai phạm của PMU18, đặc biệt là các sai phạm về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản gây lãng phí, thất thoát lớn, Bộ GTVT mới nghĩ đến việc nghiên cứu chuyển đổi này.

 

Trên thực tế, Bộ GTVT đã có ý định nghiên cứu thay đổi các PMU từ khi Nghị định 16/2005/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ra đời vào ngày 7/2/2005.

 

Hiện nay, Vụ Tổ chức cán bộ vẫn chỉ là đang nghiên cứu và xây dựng các đề án và sẽ cố gắng hoàn thành sớm. Tuy nhiên, xây dựng hành lang pháp lý cho các PMU không đơn giản chút nào vì nó đụng chạm vào nhiều lĩnh vực giao thông, xây dựng, đầu tư, tài chính...

 

Dự báo được điều này, trước đó, từ năm 2002, ông Trần Chủng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước, Thường trực Hội đồng giám định nhà nước đã từng nói về chuyện các PMU của Bộ GTVT cần chuyển đổi thành các Công ty quản lý dự án. Trong đó, các công ty này chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư thông qua luật về hợp đồng kinh tế. Đương nhiên, kết quả đấu thầu dự án sẽ ''nói'' đơn vị nào là chủ quản lý dự án.

  

Trong trường hợp được Thủ tướng chấp nhận, Bộ GTVT sẽ tiến hành ngay việc chuyển đổi mô hình quản lý dự án từ các PMU thành các Công ty tư vấn quản lý dự án.

 

Theo Thế Lê Vinh
Vietnamnet