Doanh nghiệp “chết” nhiều, sao tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp?
(Dân trí) - Nghi vấn về độ chính xác, khách quan của các con số thống kê trong lĩnh vực lao động - việc làm là một “điểm nóng” trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội ngày 30/5.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề, trong phiên thảo luận tại tổ trước đó, nhiều ý kiến băn khoăn với số liệu thống kê về chỉ tiêu giảm nghèo, tỷ lệ thất nghiệp hay tạo việc làm mới… Các con số được cho là “khó tưởng” trong điều kiện kinh tế quá khó khăn hiện tại.
Ông Hiến cũng dẫn chứng nhận định về số lượng lao động mất việc làm không được thống kê đầy đủ chính xác; tỷ lệ thất nghiệp theo báo cáo giảm so với kế hoạch đặt ra nhưng số liệu trên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.
Tỷ lệ thất nghiệp, theo Chính phủ, giảm mạnh so với kế hoạch đặt ra nhưng số liệu trên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Các đại biểu yêu cầu giải thích sự mâu thuẫn giữa việc doanh nghiệp giải thể tăng và chỉ tiêu tạo việc làm vẫn gần đạt mức Quốc hội giao (1,52/1,6 triệu việc làm).
Ngoài ra, nhiều ý kiến thể hiện sự “bất mãn” vì Chính phủ chưa có phân tích, đánh giá cụ thể về những chỉ tiêu đạt được, chưa đạt và nguyên nhân thực hiện. Chỉ tiêu giải quyết việc làm mặc dù tăng nhưng đời sống người lao động vẫn chưa được đảm bảo.
“Ý kiến của nhiều đại biểu băn khoăn về các số liệu thống kê là có cơ sở. Những con số thiếu độ tin cậy có thể do kỹ thuật, có thể do phương pháp, có thể do trách nhiệm, do thiếu minh bạch và do cả bệnh thành tích. Không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, chủ trương, giải pháp đúng được và như thế quyết định điều hành sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Tôi nghĩ Quốc hội phải biết, người dân có quyền được biết chuyện gì đang thật sự xảy ra ở đất nước mình” – ông Hiến nêu yêu cầu chất vấn tại Quốc hội.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền được chỉ định giải trình những thắc mắc của đại biểu.
Trước hết, về vấn đề giảm nghèo, bà Chuyền cho biết, tỷ lệ giảm nghèo trong báo cáo dự kiến cuối năm 2012 là 1,76%. Báo cáo chính thức gần đây là 2,3% khiến một số đại biểu băn khoăn.
Bà Chuyền giải thích, theo rà soát đánh giá của từng tỉnh gửi lên để tổng hợp, hiện cả nước có 9,6% hộ nghèo – con số giảm lớn so với dự kiến. Khẳng định số liệu địa phương báo cáo là đúng sau đợt kiểm tra tại một số tỉnh thành nhưng Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cũng xác nhận, tiêu chí đánh giá hộ nghèo để tính ra con số này lại… lạc hậu, vẫn giữ theo chuẩn từ đầu năm 2011.
Ở góc độ khác, cùng trong tỷ lệ cả nước chỉ có 9,6% hộ nghèo nhưng ở vùng núi Đông Bắc tỷ lệ này lại trên 17%, Tây Bắc tới gần 30%, trong khi Tây Nguyên chỉ 15%, Đông Nam Bộ chỉ còn 1,2%...
Năm 2012, mặc dù kinh tế - xã hội hết sức khó khăn nhưng kinh phí dành cho chương trình giảm nghèo và các hộ nghèo, những đối tượng người nghèo thì không những giảm mà còn được tăng một số chính sách. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền dẫn chứng chính sách khám chữa bệnh với 23.300 tỷ đồng để mua bảo hiểm y tế cho 29 triệu người nghèo, 11.800 tỷ đồng hỗ trợ học sinh nghèo, 37.400 tỷ đồng vốn vay ưu đãi cho hơn 1 triệu hộ nghèo…
“Với những chính sách đó, ngành đã kéo được con số 22.000 hộ nghèo đến nay chỉ còn 2.100 hộ. Như vậy, nhà nước dành nguồn lực, có đủ điều kiện để giảm tỷ lệ hộ nghèo như số báo cáo ở trên” – bà Chuyền nhấn mạnh.
Về độ vênh số liệu chỉ tiêu việc làm, nữ Bộ trưởng cho biết, Tổng Cục thống kê đưa số liệu 1,35 triệu người có việc làm mới trong khi ngành LĐ-TB&XH trình con số 1,52 triệu lao động có việc làm mới. Có sự khác nhau là do ngoài số việc làm mới, ngành lao động còn tính cả số việc làm thay thế (mỗi năm cả nước có khoảng 120.000 người nghỉ hưu đồng nghĩa với việc “nhường chỗ” cho số người tương đương có việc làm mới). Ngoài ra, Bộ còn cộng thêm 80.000 lao động đi xuất khẩu lao động.
Số liệu “báo cáo thành tích” của ngành trội hơn số Tổng Cục thống kê đưa ra là vì cộng thêm cả 2 con số này.
Về vấn đề tỷ lệ thất nghiệp chỉ 2% trong lúc kinh tế ở “đỉnh” khó khăn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng phân trần lý do là vì tình hình lao động của Việt Nam có đặc thù riêng. Phần đông các doanh nghiệp mới thành lập và những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận lao động chủ yếu ở địa bàn nông nghiệp mới chuyển sang. Khi họ bị phá sản giải thể, lực lượng lao động này lại trở về nông thôn. Họ vẫn có điều kiện có việc làm, có thu nhập. Tuy nhiên số này là thu nhập thấp và bấp bênh.
“Ở địa bàn nông thông (chiếm 70% dân số), việc làm cũng dễ tìm cho những người thất nghiệp quay trở lại từ thành phố. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2% theo báo cáo thống kê như vậy phù hợp với thực tế của Việt Nam” – nữ Bộ trưởng chốt lại phần trả lời trực tiếp trước Quốc hội.