Đoàn kết trong Đảng là nội dung quan trọng trong Di chúc Bác Hồ

(Dân trí) - Di chúc của Người luôn có giá trị to lớn đối với công tác đoàn kết trong Đảng thời kỳ đổi mới. Theo Bác, đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đoàn kết nhân dân, dân tộc, quốc tế, cội nguồn làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ngày 27/8, tại Hội thảo khoa học 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tại đây, GS.TS. Mạch Quang Thắng - Viện Lịch sử cho rằng, trong Di chúc, Bác mong muốn, sau kháng chiến chống Mỹ cần chỉnh đốn lại Đảng, công việc đối với con người, hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược, miễn thuế nông nghiệp cho các hợp tác xã nông nghiệp, khôi phục khối đoàn kết các Đảng anh em.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo GS.TS Mạch Quang Thắng, có một số vấn đề thực hiện tốt, một số vấn đề thực hiện chậm, chưa tốt và còn có vấn đề không thực hiện. Trong đó, chậm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh một phần vì nhận thức chưa nhạy bén khi chuyển giai đoạn, chưa tôn trọng khách quan, nóng vội.

“Bác đã nêu những vấn đề thực tiễn trong công tác chỉnh đốn Đảng chứ không phải là các vấn đề kinh viện. Công tác chỉnh đốn lại Đảng chỉ tiến hành khi “Đảng có vấn đề”. Như vậy nhận thức, tư duy trong chỉnh đốn Đảng là chậm so với mong muốn của Bác trong Di chúc. Gần đây mới đề ra cuộc chỉnh đốn lớn, đang làm theo Nghị quyết Trung ương 4 nhưng nhìn chung vẫn phải phấn đấu nhiều nữa”, GS. TS. Mạch Quang Thắng thẳng thắn nêu vấn đề.

Theo PGS.TS Lại Quốc Khánh - Đại học KHXH&NV Hà Nội, Di chúc của Người luôn có giá trị to lớn đối với công tác đoàn kết trong Đảng thời kỳ đổi mới. Và đây là vấn đề quan trọng vì theo Bác, đoàn kết trong Đảng là cơ sở của đoàn kết nhân dân, dân tộc, quốc tế, cội nguồn làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

“Đó còn là truyền thống quý báu nên các tổ chức Đảng, Đảng viên phải giữ đoàn kết trong Đảng như giữ “con ngươi của mắt mình”; không chỉ giữ mà còn phải củng cố, phát triển tình đoàn kết trong Đảng bằng thực hành dân chủ rộng rãi, phê bình, tự phê bình và thương yêu lẫn nhau”, PGS.TS Lại Quốc Khánh phân tích.

PGS.TS Lại Quốc Khánh cho rằng, trong thời kỳ mới, đoàn kết trong Đảng càng quan trọng, được các Đại hội Đảng xác định và nêu ra giải pháp thể hiện đậm nét dấu ấn tư tưởng Hồ Chí Minh: bảo vệ sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, trong nhân dân, nhất là tập thể lãnh đạo cao nhất trong Đảng, đoàn kết trong Đảng là đoàn kết trong cơ quan lãnh đạo có tính quyết định sự thành công của cách mạng.

Qua các kỳ Đại hội, ngày càng có nhiều điểm mới khẳng định quyết tâm của Đảng đối với việc củng cố đoàn kết trong Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, chân chính, gắn bó máu thịt với nhân dân…

“Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác cho thấy, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đoàn kết trong Đảng trong Di chúc đã được Đảng ta quán triệt, nhận thức sâu sắc, vận dụng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là vào thời điểm đất nước có các bước chuyển lớn”, PGS.TS Lại Quốc Khánh nói.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh việc “lo cơm ăn, áo mặc” cho nhân dân là vấn đề vô cùng quan trọng, “công việc đầu tiên đối với con người” được Bác đề cập trong Di chúc. Đây là định hướng, cốt lõi để thực hiện được chính sách, chủ trương. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp, chính sách để thực hiện lời Bác trong Di chúc để người dân được “ấm no, hạnh phúc”.

Qua từng giai đoạn, các kết quả xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng được cải thiện theo sự phát triển và tăng trưởng kinh tế, thực hiện đúng Di chúc của Bác về “lo cơm ăn, áo mặc” cho nhân dân. Tuy nhiên, vẫn cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để đời sống nhân dân ngày càng ấm no, giàu hơn, hạnh phúc hơn với các giải pháp phát triển kinh tế bền vững.

Quang Phong