1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đoạn đường “chết lúc nào chẳng hay”

(Dân trí) - Chỉ chừng 300m nhưng đoạn đường Lương Thế Vinh từ ký túc xá Mễ Trì ra đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đang trở thành nỗi sợ hãi của rất nhiều người, nhất là cánh học sinh, sinh viên.

Con đường này có chiều rộng chỉ hơn 5m nhưng đã hơn một năm nay được chuyển thành “quốc lộ” cho các loại xe tải, container thông ra đường Nguyễn Trãi. Nguyên nhân là do đường Khuất Duy Tiến (vành đai 3) đang thi công nên đường Lương Thế Vinh phải gánh thêm nhiệm vụ phân tải.
 
Con đường luôn trong cảnh các loại ô tô từ bé đến lớn xếp hàng chờ lưu thông. Với các loại xe tải, gần như đã chiếm trọn lòng đường, chỉ chừa hai bên mép một lối đi rất hẹp nên các phương tiện khác luôn phải rất khéo léo mới luồn lách được.
 
Xe máy, xe đạp qua đây luôn phải kè kè “bám” các xe tải cỡ lớn. Chỉ cần sẩy tay, sẩy chân là xe máy, xe đạp sẽ bị cuốn ngay vào bánh xe tải. Việc qua đường vào giờ cao điểm gần như là không thể vì các xe tải đã nuối đuôi nhau chặn mọi lối.
 
Đoạn đường “chết lúc nào chẳng hay” - 1
Người đi xe máy phải chen nhau "bám sườn" xe tải.
 

Cuối tháng 12/2007, khi đi trên đường Lương Thế Vinh, một thanh niên đi xe máy đã bị cuốn vào bánh sau của chiếc xe tải mang biển số 29Z-2860 đi chiều ngược lại. Người thanh niên bị xe tải cán nát đầu.

Điều đáng nói, con đường này là lối đi lại của rất nhiều HSSV. Đó là lối ra vào chính của hơn 1.000 sinh viên sống trong ký túc xã Mễ Trì, là cửa sau của trường ĐH Hà Nội, là lối vào của nhiều trường phổ thông như Dân lập Đào Duy Từ, Lương Thế Vinh và khối chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên cùng nhiều trung tâm tin học, ngoại ngữ khác...
 
Đường chật, vỉa hè bé lại được hầu hết các quán xá mặt đường tận dụng làm chỗ để xe máy. Thành ra con đường không còn một “kẽ hở” nào dành cho người đi bộ.
 
Đoạn đường “chết lúc nào chẳng hay” - 2
Lòng đường thì của xe tải, vỉa hè lại để xe máy, "kẽ hở" nào dành cho người đi bộ?

Một học sinh mặc đồng phục của trường chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên tỏ vẻ bất bình: “Em không hiểu người ta bố trí kiểu gì mà không có lối nào dành cho hàng ngàn học sinh, sinh viên quanh đây đi. Nếu đường này đã dành cho xe tải thì chí ít cũng phải chừa lại cái vỉa hè, cấm tiệt dựng xe máy để chúng em còn có lối mà đi lại chứ”.

Đoạn đường “chết lúc nào chẳng hay” - 3
Người đi bộ đành "chạy đua" với xe tải.

Người đi đường thì khổ mà người dân mặt đường Lương Thế Vinh cũng chẳng sung sướng gì khi con đường trước mặt nhà mình thành “đường lớn”. Chính lượng xe tải lưu thông quá lớn, lại sát nhà nên nền đất bị rung, nhiều nhà bị nứt tường. Còn hàng quán cũng rơi vào tình trạng ế ẩm vì chẳng một khách hàng nào lại muốn đi vào con đường này.

Đường “hành hạ” dân

Đường nhỏ hẹp nhưng mức độ xe lưu thông lớn, nắng cũng như mưa luôn nhớp nháp, lầy lội là thực trạng nhiều năm qua của con đường Trung Kính (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Dọc con đường, hết đoạn ngập nước thì đến hàng loạt ổ gà, ổ voi vì thế chuyện đụng xe, tai nạn xảy ra như cơm bữa, Cách duy nhất để các loại phương tiện đi lại được “yên thân” là phải chịu khó xếp hàng.

Không chỉ là đường dẫn vào các cơ quan hành chính sự nghiệp, các trường học, Trung Kính còn là con đường "huyết mạch" nối với đường Phạm Hùng để giải quyết vấn đề đi lại cho 4 cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Quản lí chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông, Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam, Viện Công nghệ phần mềm và Nội dung số Việt Nam).

Đoạn đường “chết lúc nào chẳng hay” - 4
Xe trộn bê tông "nghiền" đường
 
Đoạn đường “chết lúc nào chẳng hay” - 5
Cách phòng thủ an toàn nhất là "co chân"
 
Đoạn đường “chết lúc nào chẳng hay” - 6
"Vượt sông"
 
Đoạn đường “chết lúc nào chẳng hay” - 7
Tự tìm đường để "phân luồng" giao thông
 
Đoạn đường “chết lúc nào chẳng hay” - 8
Kể cả duy tu thì vẫn "ngớp".

Bài và ảnh: Hoài Nam - Châu Như Quỳnh