Đoàn công tác của Bộ Chính trị làm việc với tỉnh Bình Định
(Dân trí) - Ngày 18/8, Tổ Kiểm tra số 1, Đoàn kiểm tra 541 của Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Định về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Kinh tế đứng vững trong đại dịch
Theo UBND tỉnh Bình Định, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng nền kinh tế tỉnh Bình Định vẫn tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm địa phương năm 2021 tăng hơn 4,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX xác định kết cấu hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá. Vì vậy, tỉnh đã tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông kết nối.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách đạt hơn 7.600 tỷ đồng, đạt 67,5% dự toán năm và tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 15.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 41%.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết để đạt được kết quả trên là cả sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của Ban cán sự đảng và các cấp, các ngành, các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chưa tạo được sự bức phá về kinh tế, nhất là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Công tác quản lý hành chính về đất đai ở một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa chặt chẽ, các vi phạm có nơi vẫn còn xảy ra.
Thúc đẩy 5 trụ cột, giải quyết 3 khâu đột phá
Với mục tiêu đưa Bình Định trở thành một trong các tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, tỉnh này đang tập trung triển khai thực hiện hiệu quả 7 chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Định, tiếp tục đồng bộ giải pháp đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.
Trong đó, thúc đẩy 5 trụ cột tăng trưởng gồm: phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ cảng và logistics, nông lâm nghiệp thủy sản dựa trên công nghệ cao và phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Giải quyết có hiệu quả 3 khâu đột phá: tạo chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ cao theo định hướng phát triển của tỉnh và tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ hiện đại.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét quy hoạch các vùng trong cả nước. Trong đó, có vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, định hướng về tăng cường liên kết các địa phương trong vùng… để Bình Định có cơ sở rà soát, hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) - Pleiku (Gia Lai) với chiều dài 160km, kết nối với cảng biển Quy Nhơn; cho Khu đô thị khoa học Quy Hòa (TP Quy Nhơn) được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn đầu tư, tiền thuê đất, thuế, xuất nhập cảnh.
Kết luận buổi làm việc, ông Dương Trung Úy - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó trưởng Đoàn kiểm tra 541, Bộ Chính trị - nhấn mạnh: "Quan điểm Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đẩy mạnh công nghiệp hóa. Vậy công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần xác định, cái gì là mũi nhọn, ưu tiên trong phát triển công nghiệp. Chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp có gì khác so với những địa phương khác".