“Đo đếm” mức độ thuyên giảm của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
(Dân trí) - Chính phủ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội, năm 2019, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Tuy nhiên nhận định, đánh giá này được cho là chưa có số liệu minh chứng.
Tiếp tục phiên họp thứ 44, sáng 22/4, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, nghiêm trọng tiếp tục được phát hiện, xét xử nghiêm minh. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm.
Số liệu đo đếm cụ thể được Bộ trưởng Tài chính nêu, năm 2019, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính, 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 170.000 tỷ đồng, gần 23.000 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách xấp xỉ 84.000 tỷ đồng, gần 900 ha đất. Đôn đốc xử lý trách nhiệm đối với 969 tập thể, 3.100 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 17 vụ, 61 đối tượng.
Tuy nhiên, thẩm tra báo cáo này, UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, một số nhận định, đánh giá chưa có số liệu minh chứng cụ thể, còn chung chung, chưa thuyết minh cụ thể việc xử lý vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, báo cáo chưa đánh giá, so sánh một số chỉ tiêu so với mục tiêu đặt ra năm 2018, kể cả các mục tiêu lượng hóa được.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải phân tích, báo cáo năm 2018 của Chính phủ đặt ra mục tiêu: phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành…; phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định; giảm mức tổn thất điện cả năm xuống còn 6,9%; đối với các doanh nghiệp nhà nước, phải đăng ký với cơ quan đại diện chủ sở hữu và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý (từ 5% trở lên so với kế hoạch) nhưng báo cáo năm 2019 không có đánh giá việc thực hiện.
UB Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị làm rõ những nguyên nhân hạn chế Chính phủ nêu ra, từ việc quản lý điều hành ngân sách (giải ngân vốn đầu tư công chậm, đạt thấp), sử dụng tài sản công (sắp xếp nhà, đất, trụ sở chưa bao quát đối tượng), tinh gọn bộ máy cho đến khai tác tài nguyên thiên nhiên để chấn chỉnh.
Cụ thể như vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số dự án phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư gây tốn kém làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội).
Cắt 100% kinh phí khởi công, khánh thành công trình
Cơ quan thẩm tra cũng đề cập, năm 2020, Chính phủ khẳng định kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế, nhưng ưu tiên hàng đầu là kiên quyết phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, kể cả phải chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn.
Chính phủ cũng xác định một số chỉ tiêu cụ thể trong năm nay, như thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán ngân sách nhà nước. Phấn đấu tiết kiệm 12% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm và tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định. Thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư các dự án. Cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của địa phương; quản lý, sử dụng 10% dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện đấu thầu qua mạng theo hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi đạt tối thiểu 50% số lượng gói thầu và 15% tổng giá trị gói thầu. Phấn đấu huy động tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP.
Cơ quan thẩm tra lưu ý, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách, cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định. Giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm ngân sách Nhà nước năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài... để tập trung đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế.
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách.
Phương Thảo