1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

DN vận tải bên bờ phá sản vì thay đổi bến

(Dân trí) - Theo kế hoạch giảm tải cho bến xe Giáp Bát vừa được công bố thì từ ngày 7/5, Sở GTCC đã di chuyển toàn bộ tuyến xe khách từ Hà Nội đi Nghệ An, Hà Tĩnh từ bến xe này về bến xe Nước Ngầm. Thế nhưng, chỉ 1 tuần sau áp dụng chuyển bến đã có nhiều doanh nghiệp vận tải phản ứng lại chủ trương nói trên.

Từ bến “xịn” phải sang… bến tạm

Tại công văn số 1425/CĐBVN-VT của Cục đường bộ Việt Nam gửi Sở GTCC Hà Nội, Sở GTVT Nghệ An, Hà Tĩnh đã công bố các tuyến xe khách đang hoạt động tại bến Giáp Bát đi Nghệ An, Hà Tĩnh phải chuyển sang bến xe Nước Ngầm kể từ ngày 7/5.

Thời gian ngừng hoạt động là 3 năm tính từ 21h ngày 6/5/2007. Ngay sau khi có công văn trên, rất nhiều doanh nghiệp vận tải đang hoạt động chở khách trên tuyến Hà Nội - Nghệ An đã có phản ứng quyết liệt với chủ trương của Cục đường bộ Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Doanh nghiệp Hải An cho biết, bến xe Nước Ngầm rất nhỏ diện tích chỉ 8.000m2, trước đây là bãi đỗ xe tải nay chỉ là bến tạm 2 năm thành phố gia hạn 1 lần. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương nhưng nếu các tuyến từ bến Giáp Bát được chuyển sang một bến có quy mô lớn hơn nhưng nay lại chuyển chúng tôi sang một bến tạm.

Cũng cùng chung quan điểm này, ông Đinh Quốc Lập - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Nghệ An cho rằng, nếu chuyển toàn bộ xe khách tuyến Nghệ An sang bến Nước Ngầm thì tình trạng quá tải tại bến này sẽ xảy ra: “như vậy, sẽ thành cái vòng luẩn quẩn chuyển từ một bến quá tải sang một bến quá tải khác!?”

Để dẫn chứng ông Lập cho biết, nếu chuyển toàn bộ tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh sang bến xe Nước Ngầm sẽ vào khoảng hơn 300 xe, cộng với khoảng hơn 100 xe đang hoạt động tại bến Nước Ngầm thì bến này mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 xe. Như vậy, bến Nước Ngầm có diện tích 8.000m2 tiếp nhận 500 xe/ngày không quá tải, trong khi đó, bến xe Giáp Bát, diện tích 37.000m2, tiếp nhận 900 xe/ngày thì lại được cho là quá tải tôi e rằng con số này không thuyết phục được ai trừ Cục Đường bộ và Sở GTCC HN.

Hiện hữu nguy cơ bị phá sản!

Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Doanh nghiệp Hải An bức xúc, nếu chỉ tập trung xe về một bến thì không biết lấy đâu ra khách. Bởi với lượng xe hiện có và xe từ Giáp Bát chuyển về thì mối xe chỉ đỗ đón khách từ 5 - 7 phút như vậy thì làm gì có khách.

Theo tính toán của các doanh nghiệp vận tải khi hệ số sử dụng ghế đạt 70% chủ xe mới hoà vốn, nếu thời gian đỗ chờ đón khách ngắn như vậy thì xe sẽ không có khách và đẩy doanh nghiệp vận tải tới bờ vực phá sản.

Đây cũng là nỗi lo thường trực của các doanh nghiệp đang hoạt động vận tải khách tuyến Nghệ An và Hà Tĩnh. Đó là chưa kể phí mở phơi lệnh tại bến Nước Ngầm quá đắt lên tới 110.000 đồng/lượt xe xuất bến, trong khi bến Giáp Bát chỉ là 65.000 đồng/lượt xuất bến.

Còn theo ông Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc doanh nghiệp vận tải Hùng Cúc thì ngay từ tháng 11/2006, các doanh nghiệp vận tải đã có kiến nghị về việc không nên chuyển các tuyến Nghệ An, Hà Tĩnh về bến Nước Ngầm. Nhưng tất cả các ý kiến này không có hồi âm và việc chuyển tuyến vẫn cứ diễn ra gây bức xúc và thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải.

Việc thay đổi này không chỉ làm doanh nghiệp vận tải điêu đứng mà  theo quan sát của PV, hiện tại vào giờ cao điểm tại khu vực nút Pháp Vân - QL1 cũ rất hay xảy ra tình trạng ùn tắc. Do cổng bến xe quá gần nút tắc, khiến xe từ trong bến đi ra phải đỗ lại chờ đèn tín hiệu, đồng thời đây là nút có mật độ giao thông lớn nhất thành phố hiện nay với xe từ Hà Nội đi phía Nam, xe từ phía Nam đi phía Tây, Tây Bắc...

Như vậy, nếu điều chuyển xe khách đi Nghệ An, Hà Tĩnh về bến Nước Ngầm thì sẽ gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại nút giao thông này.

Mạnh Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm