"Đinh tặc” hoành hành đường cao tốc Pháp Vân
Sau một thời gian im hơi bặt tiếng, gần đây “đinh tặc” trên đường cao tốc Pháp Vân - Hà Nội hoành hành trở lại và có nguy cơ lây lan rộng hơn. Chúng xuất hiện ngày một nhiều.
Một miếng vá: 50.000 đồng
Mới đây tôi và người bạn từ Hà Nội về Hà Tây theo Quốc lộ 1A. Đi được khoảng 15 km đầu trên đoạn đường cao tốc Pháp Vân, bất ngờ chiếc xe máy của chúng tôi bị chao đảo. “Dính đinh rồi!” - anh bạn ngồi trước cầm lái vừa kêu lên vừa điều khiển cho xe tạt vào lề đường. Chiếc lốp trước đã xẹp lép, không còn tí hơi nào. “Hú hồn, nếu chạy nhanh một chút nữa không khéo còn tai nạn bỏ mạng ấy chứ! ”- anh bạn tôi thở dài. Trời nắng như đổ lửa. Chúng tôi lếch thếch dắt chiếc xe đi tìm chỗ vá.
Đang ngán ngẩm vì không biết làm cách nào để tiếp tục cuộc hành trình, ngay lập tức có một người tầm tuổi trung niên phóng xe máy từ con đường nhỏ ở cạnh quốc lộ tiến sát lại, đỗ xịch ở phía trước mặt chúng tôi hỏi giọng thản nhiên: “Xe của các chú bị thủng săm à? Có vá không, tôi vá ngay cho?”. Không cần đợi chúng tôi có đồng ý hay không, anh ta tiến ngay vào mép đường, bỏ chiếc giỏ nhựa trên khung xe xuống, lôi một bộ đồ nghề sửa xe ra. Anh ta thoăn thoắt cầm những chiếc móc sắt để móc lốp moi săm ra. Vừa làm anh ta vừa lớn tiếng: “Bọn rải đinh này thật là mất dạy! May cho các chú gặp được tôi ở gần đây chứ không thì có mà khóc giữa đường!”.
Moi chiếc săm xe ra xong, anh ta rút một chiếc đinh 4 cạnh từ lốp xe giơ ra trước mặt chúng tôi: “Đinh kiểu này thì làm gì mà chả dính... Không biết bọn người nào mà ác thật!?”. Đó là một chiếc đinh được làm thủ công gồm 4 cạnh hình quả cầu gai. Với cấu tạo này, chiếc đinh luôn luôn có một đầu hướng lên trên. Tôi ngắm chiếc đinh và thầm nghĩ, sẽ không một cái lốp xe nào có thể thoát được khi cán phải nó.
Mất gần 15 phút, ruột xe mới được vá xong. Mặc dù đã lường trước được giá của một miếng vá trên quốc lộ, nhưng chúng tôi cũng phải nhăn mặt như ăn phải ớt khi nghe anh ta nói giọng ngọt xớt: “Hai chú cho anh xin 50.000 đồng”. Dù biết là bị “chém” nhưng chúng tôi cũng đành phải chấp nhận. Nhận tiền xong, khi thu xếp đồ nghề vào trong chiếc giỏ, tôi còn kịp liếc thấy anh ta nhón cả... cái đinh cất vào túi áo!
Kiếm miếng ăn từ tay... tử thần!
Đi hết đoạn đường cao tốc Pháp Vân, chúng tôi còn được chứng kiến cảnh hàng chục chiếc xe máy bị dính đinh như xe của chúng tôi. Cứ mỗi đoạn đường như vậy lại xuất hiện những anh thợ vá xe di động đến tận nơi để “giúp đỡ” những người không may gặp rủi ro!
Đến đoạn chân cầu vượt thuộc địa phận tỉnh Hà Tây, trời vẫn nắng nóng. Chúng tôi vào nghỉ trong một quán nước nhỏ nằm ở ngay chân cầu. Trong câu chuyện vui giữa chủ quán và khách đi đường, chúng tôi lại tình cờ nghe được chuyện về “đinh tặc”. Chủ quán trạc ngũ tuần, râu ria lởm chởm, khoác bộ áo rằn ri. Từ người đến cái quán nước của anh ta toát ra rặt mùi giang hồ. Anh ta trả lời rành rẽ tất cả câu hỏi của những ai quan tâm đến “đinh tặc”. Sau một lúc, lân la hỏi tôi biết được, anh ta là H. “xồm”. Trước kia H. từng là một “đinh tặc” có tiếng, nay đã giải nghệ về mở quán nước. Một vài người khách ngồi hỏi chuyện với giọng khá cay cú, có lẽ họ cũng dính phải “đinh tặc”. H. “xồm” trả lời vẻ am hiểu: “Làm thế nào mà dẹp hết được “đinh tặc”. Miếng cơm manh áo của chúng mà”. Tất cả những mánh khóe của bọn “đinh tặc” dường như H. “xồm” đều nắm rõ.
Kể về bọn “đinh tặc” và những mánh khóe làm ăn của bọn chúng mà anh ta cứ như là “người trong cuộc”: “Bọn rải đinh bây giờ khôn lắm. Những chỗ xe dính đinh không thoát đâu được chúng mới tiến hành rải. Đấy cũng là những đoạn đường mà chúng có thể vượt từ dưới đường nhỏ lên đường cao tốc để “hỗ trợ” kịp thời. Đặc biệt bọn chúng chỉ tập trung “đánh” lớn vào những ngày lễ, tết, cuối tuần”. Nhấp xong ngụm nước, H. “xồm” còn nhếch mép cười khẩy: “Bọn rải đinh và cánh vá xe di động trên quốc lộ cũng chính là một mà thôi!...”
Cũng theo lời của H. “xồm” thì bây giờ bọn “đinh tặc” không dùng loại đinh bình thường như trước kia nữa mà chủ yếu dùng loại đinh tự chế hình quả cầu gai, đinh hình ziczắc. Có “đinh tặc” mỗi ngày vá được hàng chục miếng vá. Giá mỗi miếng vá từ 30.000- 40.000 đồng đến 100.000 đồng, tùy vào việc “nhìn mặt mà bắt hình dong”, tùy chiếc xe máy Nhật hay xe Tàu.
Theo Trần Văn- Bùi Khương
Người Lao Động