Điều tra trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B
(Dân trí) - Theo nhận định ban đầu, trường hợp cháu bé bị tử vong đột ngột ở Hà Tĩnh sau tiêm vắc xin viêm gan B, có thể do sốc phản vệ. Tuy nhiên, hội đồng khoa học cũng đang xem xét những nghi vấn khác xung quanh cái chết của cháu bé này.
Hai cháu bé cùng tiêm một lọ vắc xin
Ngày 5/3, Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) ngày hôm qua cho biết, đã nhận được báo cáo từ Sở Y tế Hà Tĩnh về trường hợp một cháu bé bị tử vong đột ngột nghi do tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B.
Đó là trường hợp cháu bé 2 ngày tuổi chưa đặt tên (ở xã Thạch Kênh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) bị tử vong ngày 2/3, sau khi tiêm phòng vắc xin viêm gan B khoảng 6 giờ đồng hồ.
Theo thông tin ban đầu, cháu bé sinh ngày 1/3, tại Trạm Y tế xã Thạch Kênh, trong tình trạng sức khỏe bình thường. Đến chiều ngày 2/3, cháu được y tá ở Trạm Y tế xã Thạch Kênh đến tiêm phòng viêm gan B mũi đầu tiên. Sau khi tiêm, đến 21h cùng ngày thì cháu bé bắt đầu có biểu hiện: da tím tái, đổ mồ hôi, nóng sốt, bỏ bú. Gia đình lập tức đưa cháu bé đến BV đa khoa huyện cấp cứu nhưng cháu đã tử vong trên đường đi.
Lọ vắc xin viêm gan B trực tiếp tiêm phòng cho cháu bé do Công ty vắc xin Sinh Phẩm số 1 (Hà Nội) sản xuất, thời hạn sử dụng đến tháng 12/2009. Lọ vắc xin này được chia thành 2 liều, một liều tiêm cho cháu bé đã tử vong nói trên và một liều tiêm cho một cháu bé khác. Hiện cháu được tiêm mũi còn lại đã được đưa đến BV Đa khoa huyện Thạch Hà để theo dõi tình trạng sức khỏe.
Hiện tại, sau khi xảy ra sự cố, Sở Y tế Hà Tĩnh đã lập tức cho tạm đình chỉ sử dụng lô vắc xin nói trên.
Khả năng do sốc phản vệ
PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết: hiện Hội đồng khoa học đang tiến hành thu thập mẫu vắc xin và tư liệu liên quan tới sức khỏe của cháu bé này để điều tra làm rõ nguyên nhân.
Việc tử vong sau khi tiêm vắc xin có thể có nhiều lý do như lượng vắc xin không đảm bảo, quy trình tiêm chủng, bảo quản không đúng kỹ thuật và đặc biệt là yếu tố cơ địa của bệnh nhân hoặc bệnh nhân mắc bệnh bẩm sinh, mắc nhiều triệu chứng bệnh cùng lúc nhưng không được thăm khám kỹ trước khi tiêm.
Theo TS Nguyễn Văn Bình Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường, hiện ở nước ta có một số loại vắcxin phòng viêm gan B, tuy nhiên phổ biến nhất là vắc xin trong nước sản xuất (được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia) và nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, sử dụng vắc xin luôn có một tỷ lệ tai biến nhất định dù rất nhỏ. Nhưng riêng với vắc xin viêm gan B ở nước ta trong vài năm gần đây đã xảy ra một số ca tai biến nhưng nhìn chung tỷ lệ tai biến vẫn thấp hơn khuyến cáo của chính nhà sản xuất. Với cháu bé vừa tử vong ở Hà Tĩnh, TS. Bình nhận định nhiều khả năng cháu bé tử vong do yếu tố cơ địa, sốc phản vệ.
Trước khi xảy ra sự việc này, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã đưa ra những thông tin cho hay tỷ lệ trẻ sơ sinh tiêm vắc xin viêm gan B giảm tới hơn một nửa kể từ năm 2007 tới nay. Nguyên nhân là do hàng loạt “sự cố” đã xảy ra khi trẻ tiêm vắc xin viêm gan B sau sinh khiến các bậc phụ huynh lo ngại.
Cụ thể, năm 2006, tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh trên toàn quốc đạt 64,3% thì tới năm 2008 tỷ lệ này chỉ đạt 23,9%.
Viện này cũng đưa ra khuyến cáo, nếu trẻ không được tiêm ngay trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, nguy cơ trẻ nhiễm vi rút viêm gan B rất lớn, trở thành người lành mang trùng, dẫn tới hậu quả bị xơ gan hoặc ung thư gan, tử vong (chiếm 25%). Bởi Việt Nam là nằm trong nhóm quốc gia có người mắc bệnh viêm gan B cao nhất trên thế giới.
P. Thanh