Diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp cấp khu vực
Trên 2.500 người và hàng trăm phương tiện các loại của 10 nước ASEAN cùng lực lượng quan sát viên đến từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế tham gia cuộc diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp cấp khu vực ASEAN (ARDEX-13) do Việt Nam đăng cai tại Ba Vì, Hà Nội.
“Siêu bão có tên Neptune đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam gây ngập lụt trên diện rộng, ảnh hưởng đến hệ thống đê điều làm hàng nghìn người chết.
Siêu bão cũng làm hàng vạn người bị ảnh hưởng do nhà cửa bị sập đổ, lũ lụt chia cắt và người dân đang cần được hỗ trợ khẩn cấp….”.
Đây là kịch bản giả định của cuộc Diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp cấp khu vực ASEAN (ARDEX-13) do Việt Nam đăng cai, tổ chức tại huyện Ba Vì, Hà Nội bắt đầu từ 8 giờ sáng 23/10.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cùng đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đến chứng kiến buổi diễn tập…
Trên 2.500 người và hàng trăm phương tiện các loại của 10 nước ASEAN cùng lực lượng quan sát viên đến từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế tham gia cuộc diễn tập này.
Cuộc diễn tập thực binh ARDEX-13 là cuộc diễn tập quan trọng cấp khu vực lần đầu được tổ chức ở Việt Nam, có quy mô lớn và với sự tham gia của nhiều nước.
Theo kịch bản, bão Neptune đổ bộ vào địa bàn các tỉnh đồng bằng Bắc bộ Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hậu quả hơn 2.000 người chết, gần 2.500 người bị thương và khoảng 1.000 người mất tích. Cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, điện bị tê liệt hoàn toàn, hơn 20.000 người mất nhà cửa, không có chỗ ở.
Các lực lượng bắt đầu tiếp cận vùng bị lũ lụt chia cắt. Ảnh: VGP/Lê Tuấn
Đặc biệt khu vực Tây Hà Nội nhiều khu dân cư, cơ sở sản xuất công nghiệp, hóa chất bị sập đổ, cháy gây rò rỉ, phát tán hóa chất độc ra môi trường.
Khẩn trương tìm kiếm nạn nhân dưới các công trình bị sập, đổ. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương tiến hành các biện pháp ứng cứu, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp. Trước tình huống thảm họa vượt quá khả năng quốc gia, Việt Nam đã thông qua Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo khu vực ASEAN (AHA) thực hiện kết nối liên lạc, điều phối và trợ giúp quá trình thực hiện việc hỗ trợ, các quốc gia thành viên đã đề nghị và cử lực lượng hỗ trợ Việt Nam.
Các nhu cầu hỗ trợ cấp bách gồm sơ tán, cứu trợ khẩn cấp nhân dân vùng ngập lụt, tìm kiếm cứu nạn trong sập đổ công trình, trong sự cố hóa chất, hỗ trợ y tế mức 1, mức 2 (triển khai bệnh viện dã chiến).
Trong cuộc diễn tập, với sự tham gia hỗ trợ của các lực lượng cứu hộ, cứu trợ y tế chuyên nghiệp của các nước ASEAN, các lực lượng ứng phó thảm họa, thiên tai, tìm kiếm cứu hộ Việt Nam đã triển khai những tình huống diễn tập cứu hộ, cứu trợ phức tạp và quy mô lớn nhất từ trước tới nay, từ việc cứu hộ sập đổ công trình, sơ tán dân, chống ngập lũ, cứu sự cố hóa chất,…
Cuối buổi diễn tập, thay mặt các Đoàn tham gia, Đoàn khách quốc tế, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Brunei đã đánh giá cao diễn biến, kết quả an toàn, sát thực tế của buổi diễn tập, khẳng định đây là dịp quan trọng để các nước cùng thực hành, đánh giá những vấn đề về bố trí dự phòng, điều phối hoạt động ứng phó khẩn cấp và cứu trợ thảm họa ở cấp khu vực, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các nước trong ứng phó với thiên tai lớn vượt quá khả năng ứng phó của từng nước. Cao hơn nữa là thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các quốc gia ASEAN trong các vấn đề chung của khu vực.
Theo Nguyên Linh
Chinhphu.vn