1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

TPHCM:

Điện tăng giá, nước cũng “ăn” theo

(Dân trí) - Với lý do để giảm bớt sức ép vì giá vật tư xử lý nước tăng cao, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã gửi tờ trình lên Sở Tài chính TPHCM đề xuất được tăng giá nước sạch từ 24-86% so với giá hiện hành.

Điện tăng giá, nước cũng “ăn” theo - 1

Vốn đã phải mua nước dùng với giá đắt đỏ, với giá nước mới, nhiều người dân TPHCM sẽ phải cần kiệm hơn
hoặc chấp nhận dùng nước giếng khoan.
 
“Choáng” với giá nước được đề xuất

 

Theo đề nghị của Sawaco, nước sinh hoạt sử dụng trong 10m3 đầu/hộ/tháng sẽ có giá 4.500 đồng/m3, còn từ 10m3/hộ/tháng trở lên sẽ tính với mức giá 7.900 đồng/m3 (hiện là 4m3/người/tháng giá 2.700 đồng/m3, từ 4-6m3/người/tháng giá 5.400 đồng/m3, trên 6m3/người/tháng giá 8.000 đồng/m3).

 

Như vậy, cách tính này không còn tính theo số lượng người mà theo số hộ gia đình, và giá nước được bán ra cho người dân sẽ tăng từ 24% đến hơn 86%… Lý giải điều này, đại diện Công ty Sawaco cho rằng: với cách tính mới sẽ không còn có sự phân biệt giữa đối tượng có hộ khẩu thường trú hay diện KT3 như lâu nay.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể thì mức giá mới này quá cao so với định mức đang áp dụng 75% (đã có thuế giá trị gia tăng). Giá nước ngoài định mức hiện nay có hai mức (5.400-8.000 đồng/m3) thì theo bảng giá đề nghị sẽ chỉ có một mức là 7.900 đồng/m3. Mức giá này tăng 24% so với mức giá hiện hành.

 

Đối với các đối tượng sử dụng nước ngoài sinh hoạt như: đơn vị sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, Sawaco đề nghị mức giá là 8.000 đồng/m3 (giá đang áp dụng chỉ từ 4.500- 6.000 đồng/m3), tăng từ 33% đến hơn 86%. Riêng mức giá tính cho đối tượng kinh doanh, dịch vụ là 13.000 đồng/m3, so với mức giá cũ (8.000 đồng/m3) thì mức giá đề xuất tăng 62,5%.

 

Tăng giá để bù thất thoát?

 

Năm 2007, Hội đồng nhân dân thành phố đã đưa ra nghị quyết cho phép Công ty cấp thoát nước thành phố đưa 29% tỉ lệ thất thoát vào giá thành. Và sau mỗi năm phải làm sao để tỉ lệ thất thoát nước giảm xuống 0,5% để đến năm 2013 còn 26%.

 

Tuy nhiên cho đến nay tỉ lệ thất thoát nước vẫn còn cao, mà lại tăng cao đột biến từ 34% năm 1999 đến năm 2008 đã vọt lên 42,54%, một con số không nhỏ dù Công ty này đã triển khai nhiều chương trình chống thất thoát nước, đặc biệt là dự án giảm thất thoát nước TP (thuộc giai đoạn 2 của dự án phát triển cấp nước đô thị Việt Nam) với tổng mức đầu tư lên đến hơn 44,6USD.

 

Lý giải điều này, đại diện Sawaco cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ thất thoát nước tăng cao là do sự quan tâm chưa đúng mức của các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra, hiện việc tính toán giá tiền nước bán ra bị ảnh hưởng ở cách tính khấu hao tài sản và việc mua nước từ các nhà nước khác.

 

Với lý do thời gian thu hồi vốn bị rút ngắn nên Sawaco đã đề xuất chọn cách tính mức khấu hao nhanh nhất trong vòng 10 năm so với cách chọn 30 năm sẽ có ít biến động đối với giá nước bán cho người dân.

 

Bên cạnh đó, mặc dù Nhà máy nước Kênh Đông và Nhà máy nước BOO Thủ Đức cho đến nay vẫn chưa xác định được khi nào có thể phát nước nhưng Sawaco lại đưa đề xuất mua nước từ các nhà máy này vào việc tăng giá nước sắp tới.

 

Không biết những lý do trên có phải là nguyên nhân chính để Công ty Sawaco đưa ra mức giá gây “choáng”?

 

Gánh nặng đè lên vai người dân

 

Từ khi có quyết định thay đổi cách tính giá điện, nhiều người dân lao động, đặc biệt là các đối tượng công nhân, sinh viên, người lao động... ở nhà thuê phải chịu cảnh chủ nhà đòi tăng giá điện.

 

Nay chủ nhà lại rục rịch tăng giá nước vì nghe tin Công ty nước sắp áp dụng mức giá mới. Chị Nguyễn Thị Dung, trọ tại Khu công nghiệp Linh Trung, quận Thủ Đức cho biết: “Đời công nhân lương đã thấp, chồng thì bị liệt, con nhỏ. Mỗi tháng phải trả gần 500.000 đồng cho tiền nhà, điện, nước. Vậy mà nghe đâu chủ nhà sắp tăng giá nước thêm 5.000 đồng/người, trước đây mỗi người đã là 30.000 đồng”.

 

Tại khu vực đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, do chưa có hệ thống nước máy nên hằng ngày người dân phải mua từ các xe nước. Chị Hoàng Thị Tâm nhà tại khu vực cầu Phú Xuân lưng ướt đẫm mồ hôi đẩy xe chở bon nước về nhà tâm sự: “Mỗi can 30 lít tại đây được xe nước bán 3.000 đồng. Mỗi ngày cả nhà tôi phải tốn 9 ngàn vị chi mỗi tháng cũng đã 270.000đồng. Không mua thì lấy chi mà dùng, nếu giá nước mà tăng không biết gia đình tôi phải làm sao đây”.

 

Những nơi thiếu nước đã vậy, còn những nơi được xem là khu vực “cái rốn” của thành phố như phường Bến Thành, quận 1 tình trạng cắt, cúp nước, giảm áp lực nước cũng diễn ra thường xuyên khiến nhiều gia đình trở tay không kịp. Nhiều hộ phải thức dậy từ sớm để “canh” nước.

 

Chị Nguyễn Kim Anh, trú tại đường Nguyễn Trãi (quận 1) cho biết: “Tiếng là Công ty nước bán nước sạch nhưng nhiều khi nước bị đục, bị dơ mà vẫn phải trả tiền. Chất lượng thì chưa đảm bảo mà còn tính chuyện tăng giá. Không biết bao giờ người dân mới hết khổ với chất lượng nước và giá thay đổi chóng mặt như hiện nay”.

 

Ông Lê Văn Tỏ, trú tại đường số 9, KP5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức cho biết: “Mỗi ngày tui phải đi mua 3 thùng nước về dùng. Trong nhà nước sạch quý lắm, không ai dám phung phí. Nếu thời gian tới tăng giá nước, chắc tôi phải chuyển qua dùng nước bơm là chính, mặc dù biết nước bơm lên không đảm bảo cho sức khỏe”.

 

Đức Tri