1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Diện mạo tuyến đường sắt đô thị thứ 2 của Hà Nội

(Dân trí) - Hôm qua 4/12, tại Hà Nội vừa diễn ra Hội thảo hệ thống đường sắt đô thị lần thứ 2 với dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác, tuyến đường sắt này sẽ đóng vai trò “xương sống” về giao thông công cộng theo hướng bắc - nam, nối liên trung tâm thành phố với các khu đô thị mới.

Hội thảo do Tổng cục Đường sắt và Vụ kỹ thuật Công nghiệp - Nông thuỷ sản Nhật Bản (JETRO) đồng tổ chức.  

 

Theo dự kiến, tuyến đường sắt đô thị số 2 sẽ nối liên trung tâm thành phố với các khu đô thị mới của Đông Anh và sân bay Nội Bài, hành lang quốc lộ 6 đến Hà Đông ở phía Tây Nam, khu hành chính mới ở phía Tây. Tổng chiều dài của tuyến là 41,5 km được liên kết bằng 28 nhà ga.

 

Qua phân tích dự báo nhu cầu, đơn vị tư vấn cho rằng tuyến đường sắt đô thị này nên được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng đoạn giữa cắt ngang qua trung tâm thành phố có chiều dài 15,2 km, 14 nhà ga với 18 tàu và sẽ đưa vào khai thác từ năm 2013. Giai đoạn 2 bắt đầu từ 2016, sẽ mở rộng theo hướng nam và bắc để đáp ứng các khu vực đô thị mở rộng có chiều dài 10,2 km đi trên cao với 7 nhà ga, 28 tàu.

 

Cuối cùng, giai đoạn 3 sẽ hoàn chỉnh hệ thống bằng đoạn kéo dài tới sân bay Nội Bài có chiều dài 16,1 km (trong đó đi trên cao là 10,7 km, đi ngầm là 5,4 km) với 37 tàu vào năm 2018 và bến cuối cùng liên kết với sân bay này.

 

Theo đơn vị tư vấn, giai đoạn 1 (đoạn từ Từ Liêm tới Thượng Đình) và đoạn phía bắc của giai đoạn 3 nên được xây dựng là đường ngầm để tránh phát sinh  vấn đề ở khu vực nội thành chật hẹp với mật độ xây dựng cao. Một phần của giai đoạn 3, tuyến đường sắt đô thị sẽ cắt ngang qua sông Hồng bằng phương án cầu. 

 

Các nhà chuyên môn khẳng định, tuyến đường sắt đô thị này (UMRT 2) sẽ có tác động rất lớn tới sự phát triển của Hà Nội trong tương lai. Về mặt kinh tế, UMRT 2 tạo ra lợi ích đáng kể, không chỉ từ việc giảm ách tắc giao thông và tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân mà còn do tỉ lệ nội hoàn kinh tế của dự án cao (22,5%). Nếu tính thêm lợi ích từ việc sử dụng đất hiệu quả, phát triển gắn kết thì lợi ích kinh tế còn cao gấp nhiều lần.

 

Xét về mặt công nghệ, việc xây dựng tuyến UMRT 2 sẽ tạo cho Việt Nam cơ hội được trải nghiệm và áp dụng công nghệ hiện đại về xây dựng công trình ngầm và hoạt động khai thác đường sắt. Việc xây dựng không gian ngầm liên kết với các nhà ga UMRT ngầm có thể mang lại lợi ích cho phát triển đô thị trong tương lai.

 

Về những lo ngại về tác động tiêu cực trong việc tái định cự của các hộ gia đình phải di dời vì dự án, đơn vị tư vấn khẳng định trong dự án này số lượng công trình bị di dời tái định cư là rất ít (dưới 30 công trình bị ảnh hưởng lâu dài) bởi giai đoạn 1 của dự án là đi ngầm và theo kế hoạch sẽ thực hiện gắn kết tại các nhà ga và khu vực nhà ga. Việc cung cấp các dịch vụ giao thông công cộng chất lượng cao sẽ tạo ra ý nghĩa xã hội tích cực nói chung và cụ thể là cho dân cư dọc tuyến UMRT 2.

 

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, lượng hành khách sử dụng UMRT 2 sẽ phụ thuộc vào giá vé. Mức vé 0,02-0,05 USD/km dành cho quãng đường đi trên 4 km được tính toán dựa trên chiến lược tối đa hoá doanh thu vì dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 chủ yếu là tự túc về vốn. Số lượng hành khách sẽ khoảng 575.000 khách mỗi ngày khi bắt đầu đưa vào khai thác gia đoạn 1 và sẽ tăng lên 900.000 khách mỗi ngày vào năm 2028, khi kết thúc giai đoạn cuối.

 

Tổng chi phí dự án UMRT 2 ước tính là 2,8 tỉ USD, trong đó giai đoạn 1 là tốn kém nhất với chi phí đầu tư ước tính khoảng 1,8 tỉ USD. Ngoài ra, chi phí khai thác và bảo dưỡng tuyến UMRT 2 sẽ tốn khoảng 39,2 triệu USD/năm trong giai đoạn 1 và tăng lên 51,4 triệu USD/năm khi giai đoạn 3 hoàn thành và đi vào khai thác.

 

Phúc Hưng