1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Diện mạo tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam

(Dân trí) - Đi tàu khách từ ga Hà Nội vào ga Sài Gòn chỉ còn 5 tiếng. Đây là điều hoàn toàn có thể, nếu tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam trở thành hiện thực.

Từ Hà Nội vào TPHCM chỉ có 5 tiếng!

 

Theo phương án mà Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đưa ra: Nếu xây dựng đường sắt cao tốc, đường đôi, điện khí hóa, khổ 1m435, với tốc độ 200km/h thì tàu khách từ Hà Nội đến TPHCM chỉ mất 8 giờ 17 phút. Nếu chạy 300km/h thì mất 5 giờ 53 phút và 5 giờ 15 phút với tốc độ 350km/h.

 

Riêng đoạn Nha Trang - TPHCM nếu chạy 200km/h thì mất 2 giờ, nếu chạy 300km/h thì mất 1 giờ 30 phút và 1 giờ 23 phút với tốc độ 350km/h. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc. Đoạn đường sắt này nằm trong tổng thể của tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đi TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Điểm khởi đầu của tuyến đường sắt Nha Trang - TPHCM sẽ bắt đầu tại TPHCM, đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hoà. Trên toàn tuyến sẽ xây dựng 6 nhà ga mới và 2 đềpô tại Khánh Hoà và TPHCM. Tiêu chuẩn thiết kế áp dụng đối với đường cấp 1 và đường cao tốc, có thể chạy tàu với vận tốc 350 km/h.

 

Cũng theo đơn vị tư vấn, ngoài đoạn Nha Trang - TPHCM, các chuyên gia Hàn Quốc đang đẩy mạnh việc nghiên cứu đoạn Hà Nội - Vinh và sẽ sớm có báo cáo nghiên cứu gửi các cơ quan chức năng Việt Nam.

 

Huy động nguồn vốn bằng cách nào?

 

Đây là vấn đề gây đau đầu với những đơn vị có liên quan từ khi dự án đường sắt cao tốc mới đi những bước chập chững đầu tiên. Chỉ riêng tuyến cao tốc Nha Trang - TPHCM đã ngốn tới trên 8 tỷ USD, đòi hỏi nhà đầu tư tính toán chặt chẽ từ nguồn vốn đến phương án thu hồi vốn.

 

Đại diện Bộ xây dựng, Bộ KH-ĐT cho rằng: Việc huy động nguồn vốn xây dựng đường sắt cao tốc nên thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn lại khuyến cáo nên huy động tài chính của cả Chính phủ Việt Nam và nguồn vốn tư nhân.

 

Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Chung Suk Engineering (đơn vị tư vấn kỹ thuật) - ông Hee Yong Chung: Phương án đầu tư vào xây dựng đường sắt cao tốc rồi thu hồi vốn thông qua hình thức bán vé là không khả thi. Do đó, giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc cần có cơ chế thu hồi vốn, trả nợ một cách phù hợp.

 

Ông Hee Yonh Chung cho biết thêm, công ty của ông đã gặp trên 20 doanh nghiệp tài chính, ngân hàng để trình bày kế hoạch đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam. Sau khi nghe phương án các doanh nghiệp đều rất quan tâm và mong muốn đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất ở đây là chúng ta phải tìm ra được một cơ chế giúp các nhà đầu tư nhanh chóng thu hồi lại được nguồn vốn bỏ ra.

 

Ông Vũ Xuân Hồng, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam cho rằng: Việc xây dựng đường sắt cao tốc mà trước hết là đoạn Nha Trang - TPHCM sẽ là động lực phát triển các vùng kinh tế, các khu du lịch. Vì thế chúng ta có thể thực hiện cơ chế thu hồi vốn thông qua việc thu thuế từ các lĩnh vực được hưởng lợi từ đường sắt cao tốc.

 

Ngoài ra, để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, theo ông Hồng, chúng ta cũng cần phải huy động nguồn lực kinh tế từ nhiều nước. Ngay cả đến Nhật Bản khi xây dựng đường sắt cao tốc họ cũng phải huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư Pháp, Trung Quốc...

 

Dự kiến, đến tháng 3/2007, đơn vị tư vấn Hàn Quốc sẽ hoàn thiện việc nghiên cứu và có báo cáo cuối cùng về việc xây dựng đường sắt cao tốc đoạn Nha Trang - Sài Gòn. Riêng đoạn Hà Nội - Vinh, sẽ hoàn thiện việc nghiên cứu vào tháng 4/2008. 

 

Phúc Hưng - Thái Sơn