1. Dòng sự kiện:
  2. Sập cầu Phong Châu
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Điện lực Quảng Ninh lý giải hàng loạt cột điện gãy đổ do bão Yagi

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Tại quốc lộ 18, đoạn qua TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) có hàng loạt cây cột điện bị gãy đổ do bão Yagi. Thân cột điện gãy đổ ở nhiều vị trí khác nhau nhưng đều để lộ lõi thép rất nhỏ và thưa.

Bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. 

Theo thống kê đến ngày 8/9, bão đã làm 254 cột điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bị gãy đổ, gây mất điện diện rộng.

Điện lực Quảng Ninh lý giải hàng loạt cột điện gãy đổ do bão Yagi - 1

Hàng loạt cột điện dọc quốc lộ 18, đoạn qua địa bàn TP Cẩm Phả, Quảng Ninh bị gãy đổ (Ảnh: Mạnh Quân).

Ghi nhận tại quốc lộ 18, đoạn qua địa bàn TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) có hàng loạt cột điện lớn bị gãy đổ chắn hết một làn của tuyến đường huyết mạch này.

Dòng phương tiện phải di chuyển đi chung sang làn ngược lại, giao thông ùn tắc cục bộ tại quốc lộ 18, đoạn Cẩm Phả.

Theo quan sát, những thân cây cột điện có đường kính lớn bị gãy đổ ở những vị trí khác nhau, lớp bê tông bên ngoài bị vỡ để lộ những lõi thép phía trong khá nhỏ và thưa thớt. 

Hàng loạt cột điện ở Quảng Ninh gãy đổ do bão số 3, lộ lõi thép nhỏ.

Điện lực Quảng Ninh lý giải hàng loạt cột điện gãy đổ do bão Yagi - 2

Những cột điện bị gãy đổ để lộ lõi thép khá nhỏ và thưa (Ảnh: Nguyễn Dương).

Những cây cột điện có lõi thép nhỏ và thưa thớt bị gãy đổ khiến nhiều người dân sống ở 2 ven đường của quốc lộ 18 tỏ ra lo lắng về "sức khỏe" của những cột điện chưa bị gãy.

Bà Phạm Thị. Q. sống ở khu vực trên bày tỏ lo lắng "Khi bão đổ bộ tôi nhìn thấy cột điện trước cửa nhà tôi cứ lung lay. Thời điểm đó 3 mẹ con tôi co rúm vào lo lắng, chỉ sợ cột điện đổ vào nhà. Cột điện gãy đổ chúng tôi mới nhìn thấy lõi sắt bên trong nhỏ và thưa quá, thế này không đảm bảo an toàn".

Còn ông Bùi Hữu D. cũng sống tại khu vực trên bày tỏ bức xúc "Lõi thép phía trong cột điện theo tôi chưa được là sắt 6. Cột điện như này phải có lõi thép to bằng ngón chân cái mới đảm bảo. Tôi thấy cột điện lõi thép nhỏ và thưa như này không đảm bảo an toàn".

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị H. cho biết khi cột điện gần nhà đổ, chị quan sát thì có cảm giác bên trong không có lõi thép. Chị tỏ ra rất lo lắng về sự an toàn của những cây cột điện còn lại dọc quốc lộ 18.

Còn theo quan sát của phóng viên, các lõi thép phía trong của một số cột điện bị gãy đổ rất nhỏ (đường kính khoảng 6mm, thường gọi là sắt 6) và khá thưa.

Điện lực Quảng Ninh lý giải hàng loạt cột điện gãy đổ do bão Yagi - 3

Thân cột điện gần như không có lõi thép (Ảnh: Nguyễn Dương).

Việc nhà sản xuất và đơn vị điện lực địa phương sử dụng những cây cột điện có lõi thép nhỏ và thưa như ghi nhận ở trên có đảm bảo chất lượng hay không, cần có cơ quan chuyên môn đánh giá. Tuy nhiên, bằng mắt thường quan sát, những cây cột điện có đường kính phía chân cột là 40cm, cao gần chục mét, mà sử dụng lõi thép nhỏ và thưa như vậy khiến người dân địa phương lo lắng là điều dễ hiểu.

Cột bên tông ly tâm 

Trao đổi với phóng viên Dân trí về sự việc, ông Đặng Thành - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh - cho biết, toàn bộ tuyến đường dây có cột điện bị gãy, đổ nói trên sử dụng loại cột bê tông ly tâm, được sản xuất theo công nghệ dự ứng lực (còn gọi là tiền áp) đã được áp dụng phổ biến trên thế giới.

Ưu điểm của cột bê tông sản xuất theo công nghệ này là cốt thép trong bê tông là cốt thép cường độ cao. Bê tông được ứng suất trước, kết hợp với quay ly tâm nên bê tông đặc, chắc, chịu được tải trọng cao, không nứt, tăng khả năng chống thấm, chống ăn mòn, phù hợp với các vùng ven biển...

Theo hồ sơ dự án, cột điện bê tông dự ứng lực của dự án được sản xuất theo tiêu chuẩn của nhà nước; có đầy đủ hồ sơ quản lý chất lượng, chứng chỉ xuất xưởng; đủ điều kiện kỹ thuật.

Trong điều kiện như trên nhưng khi mưa bão cột điện vẫn gặp sự cố có thể do sức gió thực tế lớn hơn sức gió đã được tính toán khi thiết kế cột điện.

Bên cạnh đó, do lượng mưa nhiều, ngập úng nên nước mưa đã thẩm thấu xuống dưới nền đất làm giảm sức chịu tải của nền đất, khiến cột bị lún nghiêng.

Việc đổ một cột điện cũng có thể dẫn đến lực tác động dây chuyền, gây đổ các cột còn lại...

Lý giải việc sau khi cột điện gãy mà không nhìn thấy cốt thép ở trong, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn đường dây (thuộc Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 1) - cho biết cột điện bê tông ly tâm ở Việt Nam được chế tạo theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN: 5847-2016.

"Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại cột điện bê tông cốt thép ứng lực trước và không ứng lực trước sản xuất theo phương pháp ly tâm. Nếu là bê tông ly tâm ứng lực trước, thì khi sản xuất, cốt thép được căng trước", ông nói.

Vì vậy, vị này cho biết khi gãy cột điện, cốt thép bị đứt sẽ co về hai đầu, rút vào trong bê tông với độ sâu khoảng 1cm. Do cốt thép có đường kính nhỏ, bằng mắt thường khó có thể thấy được cốt thép mà chỉ thấy được những lỗ đường kính của cốt thép trên bề mặt bê tông.

"Đây là hiện tượng quán tính bình thường của vật lý, giống như sợi dây đang căng mà đứt ra thì sẽ co về 2 đầu và cốt thép trong bê tông này cũng tương tự như vậy", ông Hùng lý giải.

Về vấn đề khắc phục hậu quả cơn bão Yagi, nhiều người dân cho biết, tính đến ngày 8/9 họ chưa nhận được thông báo khi nào Điện lực Quảng Ninh sẽ khắc phục xong sự cố điện.

Thời điểm này, cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương bị đảo lộn, không điện, không nước sạch. 

Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Ninh, tính đến 8h ngày 8/9, có 50/59 đường dây 110kV tách khỏi vận hành. Hiện công ty đã khôi phục được 9 đường dây, còn 50/59 đường dây chưa đóng điện.

Đối với đường dây trung áp, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã đóng điện được 12/180 đường dây trung áp, chủ yếu tại khu vực Móng Cái. Công ty này đang chỉ đạo kiểm tra các đường dây còn lại, đủ điều kiện khôi phục vận hành, ưu tiên cấp điện cho các khách hàng quan trọng.