Diễn biến hòa bình là thực tế mà Việt Nam nhìn nhận
(Dân trí) - Chiều 21/4, Trung tâm báo chí Đại hội đảng X đã tổ chức cuộc họp báo mang chủ đề “Chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam”. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã chủ trì cuộc họp báo.
Khi Việt Nam vào WTO, đường lối đối ngoại của chúng ta có sự điều chỉnh như thế nào thưa ông?
Chúng ta đang trong quá trình đàm phán đa phương và song phương, song phương thì chỉ còn 2 nước là Hoa Kỳ và Mêxicô. Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho hậu WTO, có rất nhiều vấn đề phải chuẩn bị, đặc biệt là vấn đề kinh tế, trong đó có liên quan đến đối ngoại, liên quan đến lập pháp và các vấn đề khác nữa.
Về đối ngoại, tôi nghĩ cơ bản là không có điều chỉnh. Chính sách đối ngoại của chúng ta là: độc lập- tự chủ- đa dạng hóa - đa phương hóa và chúng ta tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Về kỹ thuật chúng ta sẽ phải điều chỉnh một vài mặt cho phù hợp với một sân chơi chung, rất lớn như WTO.
Sách lược thu hút nguồn lực kiều bào được thực hiện như thế nào thưa bộ trưởng?
Chúng ta có hơn 3 triệu kiều bào sinh sống ở nước ngoài, nguồn lực kinh tế thì chưa phải là lớn, nhưng nguồn lực về trí tuệ, chất xám phải nói là rất tốt, đa dạng. Chúng ta đã có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất khi kiều bào về nước.
Chúng ta đã có cơ chế, và sẽ mở rộng hơn để kiều bào được mua nhà, sở hữu nhà cửa. Vấn đề là làm sao cho các nhà khoa học, trí thức kiều bào muốn về nước làm việc, đóng góp chất xám cho quê hương. Cần có sự liên kết giữa các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học kiều bào để họ gặp nhau về ý tưởng, phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước. Sắp tới đây Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài sẽ phối hợp với các bộ, sẽ có những cuộc hội thảo về vấn đề này.
Bộ trưởng có thể cho biết ở Bộ Ngoại giao có chuyện chạy chức, chạy quyền hay không?
Ở Bộ Ngoại giao không có chuyện chạy chức, chạy quyền. Từ năm 1980, Bộ Ngoại giao đã đi đầu trong cả nước về chuyện quy hoạch cán bộ. Chúng tôi công khai hóa chuyện đề bạt cán bộ, danh sách ai lên hàm vụ phó, vụ trưởng đều công khai và phải tập sự trong 2 năm, sau đó các đơn vị sẽ chấm điểm về năng lực, về quản lý và về đạo đức. Việc bổ nhiệm đi làm đại sứ các nước cũng vậy, chúng tôi có quy hoạch công khai.
Trong bài phát biểu của Bộ trưởng không nêu về diễn biến hòa bình, điều này có phải là Việt Nam bớt lo lắng về diễn biến hòa bình hay không?
Trong các văn kiện của Đảng chúng tôi cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều học giả VN và nhà báo cũng đã nói đến diễn biến hòa bình. Đây không phải suy diễn mà là hiện tượng thực tế mà VN nhìn nhận. VN đang cố gắng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân để người dân thực sự dân chủ. Tôi nghĩ là 4 nguy cơ VN đề ra, mà đẩy lùi được thì sẽ tăng được sự phát triển, nâng cao được dân trí. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền, đẩy lùi tham nhũng thành công, theo tôi, sẽ là biện pháp ngăn chặn diễn biến hòa bình.
Theo bộ trưởng ai là kiến trúc sư của diễn biến hòa bình, có phải Mỹ hay không? Những hình thức tiến hành diễn biến hòa bình là gì, Việt Nam đối phó ra sao?
Có lẽ chúng ta không nên nói ai là kiến trúc sư mà chỉ nói những vấn đề mà VN phải xử lý. Đó là thách thức phải đối mặt và xử lý thế nào để vẫn giữ được bản sắc dân tộc và độc lập tự chủ của chế độ. Đó là vấn đề lớn mà VN cần phải làm. Tôi biết rằng, trong thời kỳ chuẩn bị văn kiện đại hội Đảng, lấy ý kiến của nhân dân vừa qua, cũng có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết để làm thế nào giữ vững chế độ.
Gần đây, ở một số nước thuộc Liên Xô và Đông Âu cũ có hiện tượng “cách mạng sắc màu”, đánh giá của Việt Nam về sự kiện này thế nào, đây là xu thế của thời đại hay thách thức?
Chúng tôi cho rằng “cách mạng sắc màu” ở một số nước Đông Âu cũ chỉ là hiện tượng, chưa thể gọi là xu thế. Tôi nghĩ nó diễn ra ở nước nào là do điều kiện bên trong của nước đó. Thành thật mà nói, các cuộc cách mạng này còn có tác động bên ngoài nữa. Nhưng quan trọng vẫn là bên trong.
Đức Hòa (ghi)