Điểm số cho chính quyền Đà Nẵng - những con số “biết… thở dài”
(Dân trí) - Kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI mới nhất cho thấy nhiều vấn đề từ hiện tượng tụt dốc của Đà Nẵng và hiện tượng “bật sáng” của Quảng Ninh. Lãnh đạo Đà Nẵng dường như đến giờ đã ngấm chuyện “ngưng lại là tụt hậu” còn lãnh đạo Quảng Ninh thì đang nắm bí quyết đơn giản để thăng hạng…
Quán quân “vang bóng một thời”
Từng là ngôi sao sáng nhất bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giữ ngôi vị quán quân nhiều năm liên tiếp nhưng thời gian qua Đà Nẵng đã “hụt hơi”, để mất dần vị trí. 2018 “thành phố đáng sống” tụt xuống thứ 5.
Các chuyên gia phân tích, Đà Nẵng tụt hạng sâu như vậy, có một phần nguyên nhân là chính quyền đã giảm mạnh tính năng động, trong khi nhiều tỉnh thành thăng hạng đều có chính quyền thân thiện, xử lý công việc hiệu quả... Cụ thể, đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại thành phố này sụt giảm rõ rệt. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về khoảng cách giữa chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố với các sở ngành, huyện thị có sự gia tăng.
Bao trùm lên những con số “biết… thở dài” đó là tâm tư của cả chính quyền và doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của thành phố thủ phủ miền Trung.
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng - doanh nhân Hà Đức Hùng từng chia sẻ với báo giới khi kết quả PCI 2018 được công bố: “Vị trí thứ 5 của Đà Nẵng phản ánh đúng tình hình thực tế, thậm chí hình như có phần… bao dung”. Lý giải nhận định này, doanh nhân Hà Đức Hùng cho rằng, nếu “chấm điểm” thẳng thừng thì thứ hạng của Đà Nẵng sẽ còn thấp hơn. Cộng đồng doanh nghiệp đã “nương tay” với hi vọng, những trục trặc của Đà Nẵng chỉ là ngắn hạn.
Còn những “trục trặc” được các doanh nghiệp nhìn nhận, theo lãnh đạo Đà Nẵng - Phó Chủ tịch thành phố Trần Văn Miên, thì không thể “đổ thừa” cho những nỗ lực, kết quả đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đang diễn ra tại thành phố. “Việc cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính… phải là việc thường xuyên của địa phương, ngưng lại là tụt hậu” – ông Miên chỉ rõ.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự hoang mang với hành xử của chính quyền thành phố thời gian qua. Liên tiếp những vấn đề, quyết định của thành phố thời gian qua khiến nhà đầu tư lao đao.
Gần đây nhất, một dự án bến du thuyền vừa bị UBND TP Đà Nẵng tạm dừng để rà soát hồ sơ pháp lý khiến chủ đầu tư dự án bất bình. Dự án này được phê duyệt từ gần 10 năm trước, hiện đã triển khai đến giai đoạn cuối thì nhận lệnh “tạm dừng” để rà soát. Mà việc rà soát này đã từng được tiến hành cách đây 3 năm, đã được giải quyết, công khai kết quả để trả lời dư luận, nay lại lật lại.
Dự án có phần bến du thuyền nhô ra sông Hàn nên từ đầu, thành phố đã thực hiện khảo sát địa chất và dòng chảy của sông vào các mùa, lấy ý kiến các đơn vị liên quan và kết luận dự án này và một số dự án cận kề không ảnh hưởng đến bờ kè, không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt là vào mùa lũ. Đây là nội dung được Sở Xây dựng Đà Nẵng tái khẳng định 3 năm trước khi công khai kết quả rà soát trên cổng thông tin điện tử của thành phố.
Khi dự án được nhắc lại vừa qua với câu hỏi “liệu công trình có làm ảnh hưởng dòng chảy của sông Hàn?”, Sở Xây dựng tiếp tục khẳng định “dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá đánh giá tác động môi trường, hoàn toàn đủ điều kiện triển khai”. Tuy nhiên, giữa tâm bão dư luận, Đà Nẵng lại đi đến quyết định buộc tạm dừng dự án để lại… rà soát.
Nhà đầu tư bị động, bất ngờ trước những diễn biến bất lợi với dự án của mình và quyết định gấp gáp của thành phố, chỉ còn biết than trời vì hàng trăm tỷ đồng bắt đầu bị đóng băng tại đây. Tại một diễn đàn mới đây, chủ doanh nghiệp thậm chí còn phải thốt lên “nhiều lần muốn tự tử” vì những trúc trắc trên hành trình “đồng hành với chính quyền” của mình.
Đây không phải chuyện cá biệt xảy ra tại Đà Nẵng. Giới đầu tư tại đây nửa năm trước từng “dậy sóng” bởi việc thành phố hủy kết quả đấu giá đất của đơn vị mang tên Vipico cho dù doanh nghiệp này có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ giải trình tính hợp lý và các bộ, sở, ban, ngành đều đồng thuận với các giải trình này. Đáng chú ý là, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng gửi báo cáo lên trung ương, thì thành phố đã “lờ” tất cả những ý kiến đồng thuận trước đó của các bộ, ban, ngành.
Trước đó, tại một cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, nhiều cử tri là doanh nghiệp cùng phản ánh việc 10 năm trước, Đà Nẵng cấp quyền sử dụng đất với thời hạn lâu dài, gần đây lại điều chỉnh chỉ còn 50 năm khiến doanh nghiệp thiệt hại và bày tỏ quan điểm muốn khởi kiện thành phố. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng khi đó nhận định, “cái sai” trong sự việc này là của chính quyền.
Tại cuộc họp báo quý I/2019 diễn ra mới đây, lãnh đạo Đà Nẵng xác định “sẵn sàng phương án ứng phó với trường hợp doanh nghiệp kiện”, khi đề cập đến việc các quyết định tiền hậu bất nhất, gây thiệt hại, khiến nhiều nhà đầu tư bất bình.
Cuộc “đổi ngôi”
Chưa bàn đến đúng, sai, từ góc độ quản trị, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo, sự thiếu nhất quan trong chủ trương, trong điều hành kinh tế vĩ mô của các địa phương dẫn tới hệ lụy các dự án bị đình trệ, doanh nghiệp nản lòng vì mất đi cơ hội đầu tư, kéo theo lãng phí chi phí, nguồn lực. Từ đó, mất niềm tin vào chính quyền, môi trường kinh doanh địa phương.
Trở lại với việc “chấm điểm” chính quyền và kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh, hiện tượng tụt dốc của Đà Nẵng được so sánh với hiện tượng “bật sáng” của quán quân PCI 2 năm qua – tỉnh Quảng Ninh.
Trong số những tiêu chí được đưa ra chấm điểm để xếp hạng PCI, Quảng Ninh đã bứt phá, ghi điểm nổi trội về các chỉ số đo nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có chỉ số về tính năng động của chính quyền, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp… Và hơn hết, như chia sẻ của Chủ tịch tỉnh này, quan trọng là xây dựng niềm tin, tinh thần cống hiến, đồng lòng của những nhà đầu tư lớn, chiến lược.
Chủ tịch Quảng Ninh cho biết, các cơ quan trong toàn tỉnh đều xác định phải hành động với nguyên tắc theo sát bước chân nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ, đồng thời thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Kết quả đánh giá chính là thước đo về sự hài lòng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh này dẫn chứng bằng hàng loạt những dự án lớn như dự án hạ tầng sân bay, cảng biển, cao tốc, dự án những khu du lịch phức hợp trị giá hàng tỷ “đô” với dự kiến thời gian khai thác, hoàn vốn tới nửa thể kỷ để minh chứng cho nhận định, chỉ có tạo được niềm tin, cam kết đồng hành của chính quyền mới thuyết phục được những nhà đầu tư tâm huyết, gắn bó, xác định “đứng chân” lâu dài trên địa bàn sẵn sàng tham gia.
Đà Nẵng, theo đó, đang đứng trước sự thử thách rất lớn về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, niềm tin với danh hiệu “thành phố đáng sống”.
P.Thảo