“Điểm nghẽn” trong quản lý giá
Khi Bộ Tài chính vừa lên tiếng “siết” lại việc điều hành giá xăng, Bộ Công Thương ngay lập tức kiến nghị lên Thủ tướng nên giảm thuế cho mặt hàng xăng, rõ ràng, vô hình trung đã gây sức ép cho nỗ lực đưa loại giá này đi vào “trật tự”.
Dù đã có rất nhiều biện pháp cũng như các ý tưởng cho quản lý giá được rốt ráo đưa ra nhưng với những sức ép kiểu như vậy, cơ quan điều hành không thể không lúng túng.
Ngày 10/3, Bộ Tài chính ra một công văn yêu cầu với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải điều hành giá xăng, dầu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo sát diễn biến giá trên thị trường thế giới. Khi giá xăng, dầu trên thị trường thế giới giảm cần điều chỉnh giảm giá bán kịp thời.
Để tránh tình trạng giá xăng lại tăng một cách “phản cảm”, gây tác động tiêu cực đến tâm lý người dân như ngày 21/2 vừa qua, Bộ cũng yêu cầu từ nay đến hết tháng 6/2010, doanh nghiệp cần giãn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá xăng dầu.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương cũng có báo cáo gửi Thủ tướng về việc làm rõ tình hình kinh doanh xăng dầu những tháng đầu năm 2010.
Mặc dù Bộ Công Thương cũng công nhận là doanh nghiệp chọn thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu thời gian qua là không phù hợp với tập quán, thói quen, tâm lý của người tiêu dùng nên không tạo được sự đồng thuận... nhưng Bộ Công Thương vẫn cho rằng theo kiểm tra của tổ giám sát giá xăng dầu, trong 5 tháng qua, so với số lần điều chỉnh năm 2008 là 15 lần, thì tần suất điều chỉnh giá trong thời gian qua là 1 lần/tháng, không lớn như năm 2008 và đầu năm 2009.
Đáng lưu ý nhất đối với vấn đề giá xăng, theo đánh giá của Bộ này lại là các loại thuế, phí, khoản thu đang chiếm tỉ lệ khá lớn trong giá xăng dầu hiện nay. Vì thế, để điều hành được giá xăng như mong muốn: cân bằng lợi ích của Nhà nước với kiểm soát lạm phát, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp, thì cần phải điều chỉnh mức thuế đối với mặt hàng xăng!
Câu chuyện “khó lắm” tương tự như vậy trong quản lý giá còn phải kể đến đối với kế hoạch quản lý một loạt các loại giá khác như giá sữa, giá thép và nhiều loại giá khác. Một dự thảo thay thế Thông tư 104/2008 vừa được biên soạn đã vấp phải khá nhiều “trục trặc”.
Dự thảo thay thế Thông tư 104 được ra đời nhằm khắc phục những “lỗ hổng” của Thông tư 104 như: loại bỏ các điều kiện cụ thể trước khi có thể áp dụng các biện pháp bình ổn giá, buộc đăng ký giá đối với tất cả các khâu từ sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ và tất cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá phải thực hiện đăng ký giá theo quy định pháp luật, không kể đó là doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài...
Trong khi cơ quan soạn thảo kỳ vọng, dự thảo thay thế Thông tư 104 nếu được thực thi sẽ giúp thị trường “bình yên” và giá cả sẽ luôn được nằm trong tầm kiểm soát, thì giới doanh nghiệp, đặc biệt là giới doanh nghiệp nước ngoài đã phát đi tín hiệu phản ứng rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu quản lý giá kiểu phi thị trường như vậy vì nó sẽ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp khi phải thực hiện việc đăng ký giá cho hàng ngàn chủng loại hàng.
Các dự án FDI vào các lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong danh mục như sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất dầu thực vật, phân bón, sữa... sẽ lưỡng lự trước khi quyết định đầu tư vì không nhà đầu tư nào muốn sản phẩm của mình phải chịu áp đặt giá...
Thông điệp mà Chính phủ trong thời gian qua luôn nhắc tới: “Lạm phát cao là một nguy cơ không thể coi thường”. Vì vậy, để ứng xử với một nguy cơ không thể coi thường cần có những công cụ mạnh và những giải pháp kiên quyết, không thể chần chừ.
Vào thời điểm đầu năm 2009, trước tình hình suy giảm kinh tế đã ngày càng rõ, Chính phủ đã quyết định đưa ra gói kích cầu, dù vấp phải nhiều sức ép.
Và như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc, khi giải trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 3/2009, đã nói: “Tình huống đặc biệt thì phải có những giải pháp đặc biệt”.
Đối với câu chuyện quản lý giá, tuy không “to tát” như câu chuyện kích cầu nhưng hiện cũng đã được xếp vào dạng “tình huống đặc biệt” nên cần phải sớm có “những giải pháp đặc biệt”.
Giải pháp đặc biệt có lẽ cũng đã có, công cụ mạnh cũng có. Vấn đề là cơ quan điều hành có bước được qua “điểm nghẽn” về sức ép để mạnh tay thực thi việc bình ổn giá hay không?
Theo Lê Châu
VnEconomy