Điểm danh 7 Bộ, ngành có trụ sở mới vẫn chiếm dụng “đất vàng”

(Dân trí) - Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2018 của Chính phủ cho thấy, có 7 Bộ, ngành không thực hiện đúng Chỉ thị của  Thủ tướng về việc các đơn vị phải bàn giao lại trụ sở cũ khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng trụ sở mới.

Báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội, nội dung quản lý trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, nhà, đất công sản được đề cập chi tiết.

Báo cáo cho biết, Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng trụ sở làm việc; xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc; nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc để bố trí cho các cơ quan, đơn vị khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền; các đơn vị phải bàn giao lại trụ sở cũ khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng trụ sở mới.

Điểm danh 7 Bộ, ngành có trụ sở mới vẫn chiếm dụng “đất vàng” - 1

Nhiều Bộ, ngành vẫn bám giữ trụ sở cũ trong nội thành dù đã có cơ sở mới từ lâu 

Kết quả, trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà đất đối với 166.699 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích khoảng 3.217,6 triệu m2 đất và 146,4 triệu m2 nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 132.844 cơ sở với tổng diện tích là 2.282 triệu m2 đất; 124,4 triệu m2 nhà, quản lý chặt chẽ tài sản là trụ sở còn dôi dư sau khi các đơn vị chuyển vào khu hành chính để tổ chức đấu giá, tránh thất thoát, lãng phí.

Qua việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và đúng mục đích; tạo quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng; đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ...; khai thác được nguồn lực tài chính từ đất đai cho đầu tư hiện đại hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, Chính phủ đánh giá.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ, công tác quản lý, sử dụng tài sản công chưa thực sự hiệu quả so với tiềm năng. Một số bộ, ngành, cơ quan trung ương (Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tại cơ sở nhà, đất số 143/10 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM; Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại số 3 Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) chưa thực hiện nghiêm việc chấm dứt sử dụng nhà, đất cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết.

Một số bộ ngành chưa thực hiện di dời các hộ gia đình bố trí trong khuôn viên trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đó là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ sở nhà, đất tại các địa chỉ số 116 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II; số 135 Pasteur , phường 6, quận 3, TPHCM và số 19 Hải Triều, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM của Văn phòng đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại TPHCM).

"Dây dưa" ở phần này còn có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (cơ sở nhà, đất số 99 đường Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, TPHCM); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (số 3 Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cho biết, một số bộ, cơ quan Trung ương đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới, do chưa xác định về tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc sát với nhu cầu thực tế khi xây dựng trụ sở mới nên vẫn giữ lại trụ sở cũ để bố trí cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để tiếp tục sử dụng.

Các Bộ, ngành được điểm danh là Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Ngoại giao.

P.Thảo