1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Dịch vụ kinh doanh “chạy đua” cùng kỳ thi đại học

(Dân trí) - Trong phòng thi, các sĩ tử căng thẳng “vượt vũ môn”. Ngoài trường thi, phụ huynh bị bủa vây bởi đủ loại dịch vụ ăn theo “chu đáo” và xôm tụ.

Mùa “vàng” kinh doanh

Khác hẳn với ngày thường, mấy hôm nay, các dịch vụ như cơm phở, trà đá, xe ôm… cũng tất bật chạy đua cùng kỳ thi đại học. Khi các thí sinh đã yên vị trong phòng thi thì đối tượng phục vụ của các dịch vụ trên chính là hàng ngàn phụ huynh đang nóng ruột ngóng đợi bên ngoài.

Chị Ngô Thị Hòa (quê Hà Nam, chủ quán trà đá trước cổng Đại học Bách Khoa, Hà Nội) cho biết: “Năm nay không đông bằng năm ngoái nhưng tôi vẫn phải huy động cả nhà ra bán mới kịp”. Hàng của chị đông từ sáng sớm đến khi hết giờ thi. Chỗ bán hàng rộng chưa đầy 5 mét vuông nhưng có đến ngót hai chục khách ngồi uống, chủ yếu là các vị phụ huynh lấy chỗ chờ con thi xong. Giá cả cũng được tăng lên gấp đôi ngày thường song khách không nề hà vì coi đó là chuyện bình thường.

Anh Trần Văn Hải, chủ quán cơm phở trên phố Trần Đại Nghĩa (Hà Nội) mặt nhễ nhại mồ hôi, chạy qua chạy lại bưng đồ cho khách từ sáng sớm, đến 7 giờ thì vắng hẳn khách. Anh chia sẻ: “Nhà bán hàng lại có ít người phụ giúp nên hơi vất vả. Hôm nay, khách đến ăn sáng rất sớm vì còn cho con đi thi nên nhà tôi phải dậy từ sáng sớm chuẩn bị.”
 
Dịch vụ kinh doanh “chạy đua” cùng kỳ thi đại học - 1
Hàng quán bày la liệt khắp các vỉa hè (Ảnh: T.N)

Bên cạnh các phụ huynh có thời gian đưa con đi thi, nhiều gia đình phải thuê xe ôm, taxi chở con đến địa điểm thi cho kịp giờ. Lực lượng xe ôm đứng trước các cổng trường đại học cũng rất đông, khi giờ thi tan thì cũng là lúc công việc chuyên chở bắt đầu diễn ra. Phần lớn xe ôm cũng chuẩn bị kỹ càng để phục vụ cho việc đưa đón người nhà và thí sinh. Anh Phạm Huy Thông (Nam Định) đã hành nghề xe ôm 3 năm trên Hà Nội nên có rất nhiều kinh nghiệm. Anh thường xuyên đứng ở gần bến xe Giáp Bát, nhưng những ngày thi đại học anh lại chuyển địa điểm đứng trước cổng trường và các khu trọ đông thí sinh lên thi để dễ bắt được khách hơn.

Cổng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (quận Thủ Đức, TPHCM) giăng kín quán nước, hàng trái cây, dịch vụ giữ xe. Giá cả mọi loại dịch vụ đều cao hơn ngày thường. Chị Đoàn Thị Hà đưa con từ Nghệ An vào thi cho biết: Cách đây 2 ngày chị ăn đĩa cơm hết 8.000 đồng, bây giờ lên khoảng 15.000 đồng. Nhiều bậc phụ huynh còn ngao ngán cho biết, cùng trong đợt thi nhưng ngày thi sau giá đã cao hơn ngày thi trước.

 

Các dịch vụ gửi xe, giải khát cũng tăng giá mạnh nhưng không vì thế mà bớt khách. Hàng quán nào cũng huy động nhân sự tối đa mà vẫn phục vụ không xuể.

 

Nắm bắt được nhu cầu tất yếu của hàng ngàn phụ huynh đứng chờ con trước trường thi, dịch vụ vệ sinh tại bến xe buýt của Đại học Nông Lâm TPHCM cũng bị những người trông coi hét giá từ 2.000 - 3.000đ/lượt, trong khi trước đó chỉ 500-1.000 đồng.

 

Bác Trần Văn Thành (quê Vĩnh Long) tâm sự: “Tôi bán thóc được khoảng 2 triệu đưa con lên thi. Không dè giá cả ở đây biến đổi nhanh quá, tiền bán thóc chả thấm vào đâu”.

 

Dịch vụ bán báo cũng tự ý tăng giá, ai không mua thì thôi, miễn mặc cả. Đứng chờ con cả buổi trước cổng trong tâm trạng sốt ruột, không mấy vị phụ huynh không rút ví mua vài tờ giải khuây.
 

Ở Huế, dịch vụ ăn theo kỳ thi đại học cũng xôm tụ không kém. Chị Hương sống ở đường  Dương Văn An, nơi có điểm thi là trường THCS Chu Văn An, hồ hởi cho biết chị đã chuẩn bị rất kỹ cho “mùa vàng kinh doanh” này: chỗ trọ, xe di động bán nước giải khát.

 

Anh Nguyễn Văn Tiến, một người dân sống trên đường Trần Phú (TP Huế) cho biết mấy ngày thi anh thu nhập bằng cả tháng ngày thường, tội gì bỏ qua.
 
Không chỉ những người kinh doanh chuyên nghiệp, vào những ngày này, đội ngũ sinh viên cũng “ra quân” mạnh mẽ với những mặt hàng khá “cơ động”: bán đáp án môn thi, bán báo, phát tờ rơi, thậm chí cả chạy xe ôm.

 

Bạn Đặng Văn Hào, sinh viên khoa Lý luận chính trị, trường ĐH KH Huế, cho biết 3 năm nay năm nào cậu cũng ở lại hè làm thêm, đặc biệt kiếm vào kỳ thi ĐH - CĐ. Văn Đức Tùng, sinh viên trường ĐH KH Huế thì trang bị cho mình một chiếc xe máy và 2 mũ bảo hiểm, sẵn sàng chạy xe ôm phục vụ thí sinh và phụ huynh. “Có ngày cao điểm không chay kịp, nói chung là làm ăn được”, Tùng khoe.

 

Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như Hào, Tùng. Cậu sinh viên Khắc năm nay thử sao đáp án kinh doanh nhưng vì nhút nhát nên không bán được, đành mang về làm… nháp. Hay như cô sinh viên tên Trang, cả ngày chạy bở hơi tai bán đáp án mà cuối cùng tính lại, trừ tiền ăn, tiền xăng, chỉ hòa vốn.

 
Cổng trường thi trắng xóa tờ rơi

Các địa điểm thi đều rất đông người nên đây là một cơ hội lớn đối với nhưng trung tâm, doanh nghiệp cần quảng cáo. Quan sát của PV Dân trí, những người phát tờ rơi mang theo với số lượng lớn, chia thành từng tốp tại các khu vực tổ chức thi đại học để phát.

Thôi thì đủ loại tờ rơi, từ nhắn tin tra điểm thi ĐH đến giới thiệu các trung tâm dạy nghề, trung tâm ngoại ngữ… Thậm chí có những trường Cao đẳng mới thành lập còn rải tờ rơi “mời” thí sinh nếu... thi trượt thì nộp nguyện vọng 2, 3 vào trường đó!
 
Dịch vụ kinh doanh “chạy đua” cùng kỳ thi đại học - 2
Chăm chú xem "đáp án" được bán ngoài cổng trường (Ảnh: T.N)

Các dịch vụ này chủ yếu nhằm tác động vào các bậc phụ huynh chờ con ở cổng trường, “định hướng” cho họ nếu con không thi đỗ thì sẽ “về đâu”.

Đứng trước cổng trường ĐH Bách Khoa (Hà Nội) nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có trên tay 5 loại tờ rơi khác nhau, mỗi loại là của một dịch vụ, cơ sở với những loại hình quảng cáo bắt mắt, giật gân, những chương trình khuyến mãi thu hút sự chú ý của người nhận. Tương tự như vậy, tại cổng trường Học viện Tài chính, chúng tôi cũng nhận được hàng chục loại tờ rơi khác nhau. Bên cạnh đó là dịch vụ bán lời giải môn thi.

Bạn Hoàng Trung Tín, sinh viên ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TPHCM, một nhân viên phát tờ rơi, cho biết: “Những ngày này bọn em được trả cao hơn ngày thường. Vì thế tranh thủ phát để kiếm thêm chút đỉnh trước khi nghỉ hè. Mỗi ngày trung tâm quy định bọn em phải phát trên 200 tờ rơi”.

 

Chị Nguyễn Thị Hà cầm tập tờ rơi vừa được phát lắc đầu ngán ngẩm: “Mới ngồi chút đã có một tập tờ rơi với đủ các loại quảng cáo từ du học, tuyển sinh... Lấy thì lấy chứ không dám cho con coi vì sợ chúng phân tâm. Không biết họ nghĩ sao khi phát, chứ lúc này ai cũng chỉ lo con em mình không biết làm bài như thế nào. Theo tôi nên phát sau khi các em thi xong thì hay hơn”. Nhưng cũng có vị phụ huynh chăm chú nghiên cứu để “đề phòng” trường hợp con mình thi trượt.

 
Tuy nhiên, hầu hết mọi người sau khi đọc xong tờ rơi đều vứt bừa ra đường khiến những con đường trước cổng các trường ĐH nhuộm một màu trắng xóa, giấy bay tứ tung, rất mất mỹ quan. Lực lượng làm vệ sinh môi trường sau mỗi buổi thi lại phải vất vả hơn bởi sự quảng cáo “lãng phí” này.
 

Nhiều trò lừa đảo “quây” trường thi

 

Lợi dụng những ngày thi đại học, tập trung đông người, không ít đối tượng lừa đảo đã tiếp cận phụ huynh và cả thí sinh, kiếm tiền từ những người thật thà, tốt bụng.

 

Hoạt động rầm rộ nhất là các đối tượng đeo mác những người đi làm từ thiện vì trẻ em nghèo, trẻ em tàn tận, người mù… để “quyên góp” bằng việc bán tăm tre, đũa, bông tai. Trên tay chúng luôn có một tập các loại giấy tờ như giấy giới thiệu (có đóng dấu đỏ hẳn hoi), cuốn sổ để ghi danh sách những nhà hảo tâm. Chúng thường hoạt động theo nhóm, chọn những góc khuất để đứng rồi tìm cách tản ra đến tiếp cận từng người.

 

Ngay trước điểm thi ở trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), ba bốn đối tượng tượng nữ lượn đi lượn lại gặp từng phụ huynh với tờ giấy giới thiệu của Trung tâm Bảo trợ trẻ em Ba Vì (Hà Nội) để xin ủng hộ. Nhiều vị phụ huynh lắc đầu nhưng cũng không ít người rút tiền ủng hộ.

 

“Cháu ở bên hội từ thiện trẻ em nghèo, mong bác giúp đỡ ủng hộ các em”, cầm nắm tăm tre và một ít giấy tờ trên tay, một cô gái tầm tuổi 25, ăn mặc khá lếch thếch lên tiếng “gạ gẫm” một vị phụ huynh đang ngồi trên xe máy chờ con. Người đàn ông này không chút nghi ngờ, rút tờ 50.000 đồng đưa cho đối tượng sau khi đặt chữ ký “xác nhận” vào cuốn số đã có một loạt danh sách dài, đồng thời còn từ chối không lấy tăm. Đối tượng cười tươi: “Cháu thay mặt trẻ em nghèo cảm ơn bác nhiều” rồi lẩn đi rất nhanh.

 

Thậm chí không ít kẻ lừa đảo còn mặc áo xanh Đoàn viên tình nguyện để dễ bề tạo lòng tin. Trước cổng trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội), sau môn thi đầu tiên, có vài đối tượng mặc áo xanh tiếp cận phụ huynh và thí sinh ở lại qua trưa chờ thi môn Lý buổi chiều.
 
Dịch vụ kinh doanh “chạy đua” cùng kỳ thi đại học - 3
Người đàn ông này gạ thí sinh mua chiếc đồng hồ “chú vừa mua triệu hai”. (Ảnh chụp trưa 4/7 tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội - H.Nam).

 

Sau khi đưa 20.000 đồng gọi là “của ít lòng nhiều” cho một đối tượng, bác Nguyễn Đức Cảnh quê ở Tuyên Quang cho hay: “Tôi cũng có ngờ ngợ nhưng thấy các bạn là sinh viên mặc áo xanh như thế ai nghĩ người ta lừa đảo”. Bác Cảnh còn cho biết, tại chỗ trọ của bác cũng có người đi “quyên góp vì trẻ em nghèo”, con trai bác cũng ủng hộ 30.000 đồng. “Chúng tôi ở quê lên làm sao biết được đó là lừa đảo”, bác Cảnh thật thà.

 

Trưa qua (4/7) sau giờ thi Toán, tại khuôn viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn xuất hiện một người đàn ông chừng 40 tuổi xách máy ảnh, đồng hộ đi “gạ” thí sinh.

 

Chìa chiếc đồng hồ cho các thí sinh đang ngồi nghỉ ngơi xem, ông ta liến thoắng nói mình vừa mua với giá 1,2 triệu nhưng giờ hết tiền phải bán gấp. “Bây giờ chúng mày có mấy trăm cũng được, chú cần tiền gấp quá”, người đàn ông gạ gẫm. Cuối cùng cũng có một cậu sĩ tử thật thà rút 250.000 đồng mua chiếc đồng hồ. Cậu học trò “nạn nhân” quê Phú Thọ giải thích: “Em thấy chiếc đồ hồ đẹp mà giá cũng rẻ nên mua về cho bố đeo”.

 

T.Nguyên - H.Lương - N.Hải - N.Dương - H.Nam