1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bắc Giang:

Dịch vụ ăn theo "nóng" cùng thủ phủ vải thiều

(Dân trí) - Thủ phủ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang đang bước vào những ngày chính vụ. Bên cạnh những "con đường vải" luôn trong tình trạng "tê liệt", nhiều dịch vụ ăn theo như làm đá cây, bán thùng xốp, bẻ vải thuê, bốc vác… cũng "nóng", tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Thị trường lao động vô cùng sôi động

Ngay từ đầu vụ thu hoạch vải sớm, nhiều người lao động nghèo đã đổ xô về thủ phủ vải thiều Lục Ngạn để bẻ vải thuê. Đến thời điểm chính vụ, lượng lao động trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận đổ về ngày càng đông, khiến cho thị trường thuê mướn nhân công lao động ở đây rất "nóng".

Bình quân mỗi người lao động làm việc trong đợt này thu được khoảng từ 150 - 300 nghìn đồng/ngày. Cá biệt có người khỏe mạnh làm liên tục từ sáng sớm tới tối thu được 800 nghìn đồng.

Những người đàn ông lưng trần nhễ nhại mồ hôi trong tiết trời mùa hè oi ả, thoăn thoắt làm những công việc nặng nhọc như cân vải, dán băng, đóng gói, bốc xếp các thùng vải lên xe... Còn những phụ nữ nhận công việc cắt tỉa, xếp vải vào thùng.


Vận chuyển vải lên xe ô tô. Chăn bông thấm nước là một trong các vũ khí thô sơ để bảo quản vải.

Vận chuyển vải lên xe ô tô. Chăn bông thấm nước là một trong các "vũ khí thô sơ" để bảo quản vải.


Dù trời rất nóng song người đàn ông này vẫn phải quấn áo mưa để chống ướt.

Dù trời rất nóng song người đàn ông này vẫn phải quấn áo mưa để chống ướt.


Một lao động khỏe mạnh, làm việc liên tục tại thủ phủ vải thiều có thể kiếm được gần 1 triệu/ngày.

Một lao động khỏe mạnh, làm việc liên tục tại thủ phủ vải thiều có thể kiếm được gần 1 triệu/ngày.


Không khí làm việc tại một điểm thu mua vải thiều.

Không khí làm việc tại một điểm thu mua vải thiều.

Với tổng sản lượng mùa vải thiều năm nay ước tính đạt 70.000 tấn, việc vận chuyển, bảo quản vải cần những đồ chuyên dụng như chăn, thùng xốp, đá… đã giúp nhiều hộ dân nơi đây kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Tại Lục Ngạn có nhiều cơ sở sản xuất đá cây (dùng làm lạnh vải trong quá trình vận chuyển) hoạt động hết công suất trong ngày này.

Một điểm thu mua vải để đóng được một xe vải vài chục tấn sẽ cần đến hàng trăm thùng xốp, thùng gỗ, hàng trăm cây đá và chăn ngâm nước để giữ lạnh, bảo quản vải. Những phương pháp bảo quản thủ công này đã “tạo đất sống” cho các xưởng sản xuất, chế biến, kinh doanh nước đá, thùng xốp, chăn bao bì, thùng… đóng gói hoa quả...

Anh Nguyễn Văn Lân - chủ thu mua vải cho biết, anh phải thuê hàng chục nhân công: người giám sát cân, người trả tiền, người xếp vải, người đóng vải lên xe… Lực lượng đông đảo nhất là xếp vải vào thùng xốp, ướp đá lạnh, đóng gói, dán băng dính… để đưa lên xe trọng tải lớn chở vào các tỉnh phía Nam hay sang Trung Quốc. Anh Lân cho biết: “Đầu vụ 1 khay đá hơn 40kg mua hơn 20 nghìn, bây giờ vào chính vụ giá đá tăng vọt lên hơn 60 nghìn một khay, giá thùng xốp cũng tăng từ 25 nghìn lên hơn 30 nghìn đồng/thùng".

Dịch vụ ăn theo "nóng" cùng thủ phủ vải thiều - 5


Đá cây, thùng xốp - những mặt hàng luôn cháy trong chính vụ vải thiều.

Đá cây, thùng xốp - những mặt hàng luôn "cháy" trong chính vụ vải thiều.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Vi Văn Bảy (thôn Kép 1, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) cho biết, với diện tích 2ha vải thiều, gia đình ông thuê 5 lao động người Lạng Sơn chuyên chỉ để hái vải, bó vải với giá 150.000 đồng/ngày, nuôi ăn ở, vậy mà nhiều khi vẫn không kịp tiến độ.

Ngoài các dịch vụ trên, dịch vụ cho thuê mặt bằng làm điểm thu mua vải cũng “đắt hàng”, được các đại lý, chủ thu mua vải làm hợp đồng ngay từ đầu vụ. Rất nhiều cửa hàng tạm thời dừng kinh doanh để cho thuê mặt bằng vì lợi nhuận cho thuê cao hơn bán hàng thông thường.

Các dịch vụ ăn theo mùa vải không chỉ tạo công việc và thu nhập cho nhiều người lao động mà còn góp phần quan trọng để việc tiêu thụ vải diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.


Một xe vải chuẩn bị lăn bánh.

Một xe vải chuẩn bị lăn bánh.


Một nhóm người đang chờ vào cân vải tại một điểm thu mua.

Một nhóm người đang chờ vào cân vải tại một điểm thu mua.

Nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân tiêu thụ vải thiều

Để tạo điều kiện cho việc tiêu thụ vải thiều được thuận lợi, huyện Lục Ngạn đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại, tiêu thụ vải thiều tại Lạng Sơn , TP Hồ Chí Minh, Tuần lễ vải thiều tại Hà Nội, tạo điều kiện cho các thương nhân đến địa bàn khảo sát thị trường, hỗ trợ các thương nhân gặp gỡ thỏa thuận, đi đến ký kết hợp đồng thu mua vải thiều với các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, hộ gia đình.

Công an huyện thường xuyên trực 100% quân số để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho các tổ chức cá nhân và phương tiện đến thu mua, chế biến, tiêu thụ vải thiều. Cảnh sát phân luồng giao thông để tránh ùn tắc, đảm bảo thông thương. Ngoài ra các chiến sĩ cảnh sát giao thông còn giúp người dân di chuyển các xe hàng vào các điểm thu mua vải.


Lực lượng liên ngành kiểm tra cân.

Lực lượng liên ngành kiểm tra cân.


Ngoài nhiệm vụ điều tiết, giữ gìn trật tự giao thông, các CSGT còn trợ giúp người mua vải.

Ngoài nhiệm vụ điều tiết, giữ gìn trật tự giao thông, các CSGT còn trợ giúp người mua vải.

Đến nay toàn huyện Lục Ngạn đã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 43.330 tấn vải (chiếm khoảng 61% tổng sản lượng), trong đó vải chín sớm 8.540 tấn, với giá bán bình quân từ 15.000 – 48.000 đồng/kg, giá trị ước đạt 269 tỷ đồng. Vải chính vụ khoảng 34.790 tấn, giá bán từ 11.000 - 30.000 đồng/kg. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap đã tiêu thụ khoảng 35% diện tích, chủ yếu bán cho thương nhân Trung Quốc.

Bá Đoàn