1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dịch lở mồm long móng lan rộng, Bộ NNPTNT nhận trách nhiệm

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát đã thừa nhận trách nhiệm của Bộ này khi tình trạng dịch lở mồm long móng lây lan nhanh, nhưng các biện pháp phòng chống còn chưa đủ mạnh.

Theo ông, vì sao dịch lại lây lan nhanh như vậy?

 

Tôi cho rằng hiện tượng dịch lở mồm long móng lây lan nhanh là do có tình trạng người chăn nuôi tại các địa phương có dịch bán chạy gia súc, do đó dịch bệnh được phát tán trên diện rộng.

 

Tôi đã yêu cầu cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa biện pháp kiểm tra, kiểm soát tình hình, nếu cá nhân nào không làm tròn trách nhiệm thì phải xử lý nghiêm. Đặc biệt, địa phương gần biên giới cần hợp tác với chính quyền các tỉnh lân cận của nước bạn để chủ động ngăn chặn gia súc bị bệnh “vượt biên”.

 

Ông nghĩ sao trước nhiều ý kiến cho rằng dịch lở mồm long móng được xếp vào nhóm A, nhóm nguy hiểm. Thế nhưng ngành nông nghiệp đã không chủ động phòng chống, mặc dù hằng năm dịch vẫn xảy ra trên diện hẹp...?

 

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chỉ đạo các địa phương giám sát và ngăn chặn dịch, nhưng do nhiều nguyên nhân, trong đó có lý do địa phương thiếu kinh phí và việc chỉ đạo cũng chưa chặt chẽ. Để dịch lở mồm long móng xảy ra trên diện rộng, Bộ có một phần trách nhiệm.

 

Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng các quy trình tiêm phòng văcxin, tức là toàn bộ đàn gia súc của cả nước phải được tiêm văcxin với định kỳ 2-3 lần/năm, ngành chăn nuôi sẽ phải chi ra khoản chi phí khổng lồ.

 

Cụ thể, cả nước hiện có khoảng 8 triệu trâu bò, 25 triệu lợn và khoảng 1 triệu con dê và cừu, trong khi chi phí cho mỗi liều văcxin đơn giá là 6.000 đồng (đối với gia súc bị một loại virus) và 18.000 đồng/liều văcxin đa giá (đối với gia cầm bị ba loại virus). Do đó, việc tiêm phòng văcxin chỉ có thể tập trung tại những vùng có nguy cơ cao chứ không tiêm phòng tràn lan.

 

Trước hiện tượng dịch lở mồm long móng lan rộng hiện nay, Bộ đã có biện pháp gì để ngăn chặn một cách hiệu quả?

 

Tôi khẳng định rằng cho đến nay bệnh lở mồm long móng vẫn chưa có thuốc đặc trị để chữa khỏi bệnh này, việc chữa bệnh thật ra chỉ là chữa khỏi triệu chứng. Sau khi chữa khỏi triệu chứng, virus vẫn tồn tại trong lợn khoảng 1 năm và trong trâu bò 2-3 năm. Vì vậy, khi lưu hành những con gia súc vốn đã bị bệnh cũng có nghĩa là virus đã bị phát tán sang khu vực khác. Với đặc thù này, hoạt động phòng chống bệnh phải được tiến hành đồng bộ, trong một thời gian dài.

 

Cho đến thời điểm hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã và đang triển khai một chương trình quốc gia dài hạn về phòng chống bệnh lở mồm long móng. Trong đó, biện pháp quan trọng hàng đầu là các địa phương phải thường xuyên tuyên truyền, phổ biến tác hại cũng như biện pháp phòng chống loại bệnh này cho người chăn nuôi, giúp họ có kiến thức để chủ động phòng chống.

 

Những hộ chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy trong đợt dịch này sẽ được hỗ trợ như thế nào?

 

Chính sách hỗ trợ cụ thể thế nào vẫn còn chờ Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, theo đề xuất của các bộ, ngành thì người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ trực tiếp tính trên đầu số gia súc cũng như hỗ trợ về vay vốn tái chăn nuôi... Theo dự kiến ban đầu, người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ bình quân khoảng 10.000 đồng/kg hơi đối với lợn bị tiêu hủy; 12.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò.

 

Thời gian hỗ trợ dự kiến từ ngày 1/5 đến khi có quyết định công bố hết dịch. Ngoài ra, người chăn nuôi nằm trong diện hỗ trợ sẽ được khoanh nợ vay trong 1 năm đối với chăn nuôi lợn và 2 năm đối với chăn nuôi trâu, bò trên số dư nợ vay tính đến ngày 1/5/2005. Nếu người dân có nhu cầu vay vốn để khôi phục chăn nuôi hoặc chuyển đổi ngành nghề thì được tiếp tục vay theo quy định.

 

Về mức hỗ trợ kinh phí tiêu hủy gia súc bình quân khoảng 150.000 đồng một con trâu hoặc bò tiêu hủy và 40.000 đồng một con lợn (gồm chi phí tiêu hủy, hóa chất khử trùng, tiêu độc, vệ sinh chuồng trại...). Ngân sách cũng hỗ trợ kinh phí mua văcxin và chi phí tiêm phòng.

 

Về nguyên tắc hỗ trợ và nguồn kinh phí phòng chống dịch lở mồm long móng, trung ương hỗ trợ 50%, còn lại là ngân sách địa phương. Những tỉnh có số lượng gia súc tiêu hủy lớn, ngân sách trung ương sẽ bổ sung. Riêng TPHCM và Hà Nội phải chủ động ngân sách địa phương để thực hiện.

 

Theo Hải Đăng
Tuổi Trẻ