1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Mỗi năm, khu vực nông thôn thải ra trên 70 triệu tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 40-50% được xử lý, số còn lại dùng để bón ruộng, nuôi cá hoặc xả thẳng vào môi trường, nguồn nước...

Bị bệnh vì sống ở làng nghề

Tình trạng vệ sinh môi trường (VSMT) ở nước ta hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng, dịch bệnh mấy năm gần đây bùng phát trên diện rộng và rất nguy hiểm, gây nhiều nguy cơ đến sức khỏe cộng đồng.

Theo Ths. Nguyễn Thị Kim Dung, Trung tâm Tài nguyên nước và môi trường: Khu vực nông thôn đồng bằng sông Hồng ước tính có hơn 2,6 triệu tấn rác thải sinh hoạt/năm. Trong đó, rác thải sinh hoạt mới chỉ được thu gom đối với các hộ nằm ở khu trung tâm, trên các trục đường liên thôn, xã, toàn bộ và được đổ tại các bãi rác tạm. Các bãi rác lộ thiên đang là mối đe dọa đối với VSMT môi trường ở các vùng nông thôn.

Cũng ở khu vực nông thôn, làng nghề đang là một đối tượng gây ô nhiễm. Trong thời gian qua, việc quản lý chất thải còn mang tính tự phát, tùy tiện, không có quy hoạch. Đối với nguồn nước thải thì còn nghiêm trọng hơn. Nước thải làng nghề đang được xả trực tiếp xuống sông, ao hồ, hệ thống kênh mương thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước trầm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.

Theo kết quả điều tra sơ bộ tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm tại 4 tỉnh: Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình và Thái Bình, các bệnh phổ biến thường gặp là bệnh phụ khoa (13-38%), bệnh về đường tiêu hóa (8-30%), bệnh viêm da (5-20%), bệnh về đường hô hấp (6-18%), bệnh đau mắt (9-15%). Ngoài ra, nước thải chăn nuôi cũng là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hiện nay, trên toàn quốc mới có 1/3 trong số các khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động có hệ thống xử lý nước thải. Mỗi ngày các đô thị và KCN thải ra trên 20 nghìn tấn chất thải rắn nhưng chỉ thu gom và đưa ra các bãi chứa được trên 60%. Và tính đến thời điểm này, cũng chỉ mới có 12/64 tỉnh, thành phố có bãi chôn rác hợp vệ sinh.

Không phải bây giờ mới bất cập

Ông Nguyễn Tôn, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam phân tích: nhìn chung chính sách trong lĩnh vực VSMT còn nhiều bất cập.Qui hoạch và kế hoạch đầu tư hạ tầng chưa đón đầu được sự phát triển của đô thị-khu dân cư-khu CN. Cơ sở hạ tầng bị động theo sự phát triển.

Những thói quen và hành vi vệ sinh từ nền sản xuất nhỏ và sản xuất nông nghiệp, sự tuỳ tiện trong việc thải rác và nước… chưa được đề cập đúng mức trong các chiến lược và định hướng phát triển. Đầu tư mở rộng diện bao phủ dịch vụ chưa chú trọng chất lượng và hiệu quả;

VSMT các vùng giáp ranh giữa đô thị và nông thôn không được phân định rõ ràng cấp quản lý. Những nơi đó vừa gây ô nhiễm nhưng cũng chịu sức ép ô nhiễm từ đô thị và nông thôn thải ra. VSMT các làng nghề thủ công, chế biến nông, hải sản xấu đi nhanh chóng. Nhưng các chiến lược và định hướng không đề cập các giải pháp xử lý thoả đáng.

Thực trạng đầu tư phát triển Công trình VSMT, ví như thoát nước (sinh hoạt, công nghiệp, y tế) phải gắn giữa thu gom-xử lý; Rác thải phải liên hoàn từ thu gom-vận chuyển-xử lý (chôn, đốt, chế biến...) thiếu đồng bộ. Đầu tư xây dựng các lò đốt cho bệnh viện, cho các cơ sở có chất thải độc hại chưa có sự phối hợp dẫn đến vừa thiếu lại vừa thừa.

VSMT yếu kém là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ô nhiễm, phá huỷ nguồn tài nguyên nước nhưng lại chưa được đề cập rõ nét trong văn bản pháp qui về VSMT. Bên cạnh đó, qui định phí dịch vụ VSMT không rõ ràng và mức quá thấp, hậu quả là nguồn thu không đủ chi phí thường xuyên, công trình xuống cấp nhanh chóng.

Ô nhiễm môi trường không phải bây giờ mới được nói đến, song rõ ràng chúng ta chưa có được những giải pháp mang tính đột phá. Điều đó cũng có nghĩa là người dân ngày càng phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh từ ô nhiễm.

Lan Hương