1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lâm Đồng:

“Địa chỉ vàng” chè Cầu Đất trước nguy cơ xóa sổ

(Dân trí) - Lợi dụng sơ hở của lực lượng bảo vệ Công ty CP chè Cầu Đất, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, hàng trăm gốc chè cổ có tuổi đời trên dưới một thế kỉ đã bị hạ sát. Vườn chè độc đáo nhất của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Sáng 28/10, theo chân đoàn thanh tra của lực lượng công an, chính quyền địa phương (xã Xuân Trường, TP Đà Lạt) và ban Giám đốc Công ty CP chè Cầu Đất chúng tôi có dịp ghé thăm những đồi chè cổ với những gốc chè rất đẹp - nơi được xem là “địa chỉ vàng” trong lễ hội văn hóa chè lần thứ nhất của Việt Nam.

Thế nhưng hình ảnh đập vào mắt chúng tôi khi đi qua Lô 10, 14, 16… (những quả đồi được người Pháp cho trồng sớm nhất trên vùng đất Cầu Đất) là những hố đất to có độ sâu hơn 1m và đường kính hơn 2m.

Theo như lực lượng bảo vệ thì đó là dấu tích còn sót lại sau khi chè bị đào gốc lên. Đi càng sâu vào đường mòn xuống thung lũng là những gốc chè bị đốn, chặt, đào, bứng ngổn ngang. Có nhiều gốc cây bị bứng dở dang chưa kịp chuyển đi.

Theo như ông Nguyễn Trọng Mến, nhân viên bảo vệ của Công ty trà Cầu Đất thì thời gian đầu “chè tặc” thường hoạt động vào ban đêm, mỗi đêm một người có thể đào được từ 3 - 4 gốc cây.

Thế nhưng mấy ngày gần đây do thị trường tiêu thụ đắt đỏ nên chúng đã bạo gan đào cả ban ngày, khi thấy bảo vệ đến thì bỏ chạy, bảo vệ đi thì lại đào tiếp. Mặt khác do lực lượng bảo vệ quá mỏng trên một diện tích khá lớn (vào khoảng 60 chục ha chè cổ) nên kẻ gian vẫn hoạt động như không có gì.

“Địa chỉ vàng” chè Cầu Đất trước nguy cơ xóa sổ - 1
  

"Dấu tích" nằm trải dài khắp các quả đồi chè cổ hằng
trăm năm tuổi (ảnh Hà Huy Vũ).

Sáng 31/10 dọc theo đường mòn vào Lô 10, chúng tôi đã phát hiện 2 thanh niên với những dụng cụ cuốc, xẻng, dao… đi trên một chiếc xe máy. Trong vai dân chơi cây cảnh chúng tôi hỏi những đồi chè cổ nằm ở đâu thì được 1 người chỉ xuống thung lũng cho biết: “Những đồi chè này của công ty nên mua hay không thì hỏi công ty ấy, còn nếu công ty đồng ý thì tụi anh đào thuê cho… lấy rẻ thôi”.

Theo như mấy người này thì nếu mua ở công ty thì hơi khó, còn muốn có những cây cảnh đẹp thì phải đào trộm thôi và nếu thích thì các anh ấy sẽ đào và bán khoảng 500.000 đồng/cây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những người đào thuê chủ yếu là thanh niên địa phương xã Xuân Trường, cứ buổi ngày họ lên đồi chè xem có gốc nào đẹp, đánh dấu để tối đào. Còn không nếu các lái buôn đưa người về chọn thì họ sẽ đi theo để biết đào gốc nào.

Cứ mỗi gốc người đào bán lại cho lái buôn khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Lái buôn sẽ thuê xe múc rồi chở lên, đem bán lại cho các “đầu nậu” ở Đà Lạt với giá 3 - 5 triệu đồng/gốc tùy theo dáng đẹp hay xấu.

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng những gốc chè cổ cứ biến mất, ông Hà Phước Ta, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường cho biết: “Vườn chè cổ là điểm du lịch bấy lâu nay cũng như mang một nét văn hóa của địa phương nên phải bảo vệ giá trị văn hóa vô giá này”. Thế nhưng theo ghi nhận thì chính quyền địa phương và ban Giám đốc công ty vẫn chưa có được tiếng nói chung và phối hợp chặt chẽ trong khâu bảo vệ.

Nhìn những gốc chè cổ trong những chậu trước khách sạn của Ngân hàng NN&PTNT Lâm Đồng (46 Hùng Vương, Đà Lạt) và ngôi nhà đối diện mà thấy xót xa. Nếu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và công ty không “mạnh tay” giữ gìn hơn thì có lẽ “địa chỉ vàng” ở Cầu Đất này sẽ bị xóa sổ trong nay mai.

Hà Huy Vũ