1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đi tìm rượu ngâm "thần chết"

Có một sự thật mà hình như cánh nhậu nhẹt chẳng ai thèm tin, rằng: rượu ngâm cây thuốc phiện không hề có tí chút công dụng nào gọi là cường dương cả.

Họ vẫn lén lút mua, thì thụt truyền tai nhau những công dụng trên "giời" mà không biết được rằng, nếu quá chén, thứ rượu ấy có thể giết người. Chúng tôi đã lên Yên Bái, tìm về tận nơi được coi là cội rễ của thứ dị tửu ấy và ngỡ ngàng khi thấy cây thuốc phiện vẫn được đóng vào bao tải, chất kín trong xe chuồng gà lén lút đưa về xuôi.

Bỏ tiền mua… thuốc độc

Nói đến cây thuốc phiện thì tôi dám chắc rằng, ai cũng từng nghe tới. Thế nhưng, kể cả dân chích choác chuyên nghiệp, vẫn không có nhiều người được tận mắt nhìn thấy những cánh rừng anh túc nghễu nghện mọc, mỡ màng lá và vàng sặc sỡ hoa nhưng ẩn giấu vẻ đẹp chết chóc. Người Tày gọi nó là cây trẩu (dịch nghĩa là nàng tiên) cũng bởi vẻ đẹp đến mê hoặc của nó.

Chính phủ ta từ lâu đã cấm tiệt trồng thứ cây này, lập hẳn một đơn vị phòng chống ma túy kiểm soát thuốc phiện và các chất được tinh chiết từ nó. Các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái trong nhiều năm qua cũng đau đáu với công cuộc tiễu trừ cây thuốc phiện. Nhưng, ở đâu đó, trên tít tắp những đỉnh núi cao xa xôi, người dân bản mông muội vẫn lén lút trồng xen giữa những vạt ngô. Thứ ấy dùng để chiết nhựa phục vụ cơn nghiện của những con nghiện oặt còn sót lại đâu đó và bây giờ, nó lại được dùng vào mục đích mới: ngâm rượu.

Hạt giống cây thuốc phiện được giữ lại
Hạt giống cây thuốc phiện được giữ lại

Dù có mông muội đến mấy, người dân trồng thuốc phiện và cánh bán loại rượu ngâm cây này cũng biết rằng, đây là thứ hàng quốc cấm, bị công an phát hiện ra là ở tù như chơi. Thế nên, mọi việc đương nhiên hoạt động trong vòng bí mật và để mua được loại rượu 138 này cũng chẳng dễ dàng gì. Và, như một sự may mắn, tôi đã được mục sở thị những cơ sở bán thứ rượu cấm này. Thông qua Dũng - một “thổ dân” người miền này (vốn là bạn học của tôi thời sinh viên), tôi đã được thử mùi vị của rượu thuốc phiện.

Dũng khẳng định như đinh đóng cột: “Thần tửu đấy! Dùng loại này, đảm bảo cái khoản “đàn ông” của ông sẽ mạnh vô địch. Tôi với ông đi Trạm Tấu, đó mới là quê hương của rượu 138” (sở dĩ nó có tên như vậy là vì tỉnh Yên Bái giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Công an tỉnh, huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải thực hiện kế hoạch 138 về kiểm tra, rà soát, xử phạt người trồng cây thuốc phiện).

Con đường dẫn chúng tôi đến huyện Trạm Tấu vòng vèo như sợi dây thừng ai đó lỡ tay để rối. Vùng này vẫn còn hoang sơ với bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh, những vòng ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Tên xã, tên làng đọc lên đã thấy xa xôi: Bản Mù, Xà Hồ, Hát Lìu, Tà Si Láng… Nơi chúng tôi tìm đến là thị trấn Trạm Tấu, nơi sầm uất nhất huyện và quan trọng là: Dũng biết một số cơ sở bán rượu thuốc phiện ở đây. Chúng tôi dừng xe trước một cửa hàng tạp hóa cột gỗ mái tôn với lèo tèo vài thứ quà bánh. Trước khi xuống xe, Dũng thì thầm vào tai tôi: “Mọi việc ông cứ để tôi. Công an giờ làm ngặt quá nên họ không bán công khai như trước nữa, chỉ có người quen họ mới dám bán thôi”.

Nhìn bề ngoài, cửa hàng này cũng cũ kỹ và nhếch nhác giống như bao cửa hàng tạp hóa khác ở trong chợ. Nhưng, ông chủ cửa hàng theo tiết lộ của Dũng là một tay máu mặt, người gốc Thái Bình. Quả thật, nhìn bề ngoài, gã chẳng có vẻ gì “thổ” cả: đầu trọc, bụng phưỡn, ăn nói bặm trợn.

“Mua gì?” - Gã chủ quán cất tiếng như hét khiến chúng tôi giật mình. “Chúng cháu muốn mua rượu” - Dũng nhanh nhảu trả lời. Gã hỏi: “Rượu ngô, rượu gạo hay rượu Mù Cang Chải? Cần mua bao nhiêu?”. Lần này Dũng không trả lời mà tiến gần đến gã chủ quán nói nhỏ câu gì đó. Dũng vừa dứt lời cũng là lúc gã chủ quán quay sang tôi nhìn từ đầu đến chân với thái độ thăm dò rồi cất tiếng: “Không có”. Đoạn ông ta quay ngoắt, đi thẳng vào bên trong. Đang ngây người thì Dũng nháy mắt, cười tủm rồi kéo tay tôi cùng đi theo.

Sau khi phơi khô, cây thuốc phiện được thương lái tới thu mua với giá cao
Sau khi phơi khô, cây thuốc phiện được thương lái tới thu mua với giá cao

Chúng tôi loay hoay, dò dẫm bước theo gã chủ quán đi vào căn buồng tối om, hôi rình mùi phân chuột. Bỗng gã chủ quán quay ngoắt lại cất tiếng: “Ai bảo mà bọn mày biết? Ở đây làm gì có thứ đó, đi chỗ khác mà tìm”. Tôi ú ớ chưa kịp nói gì thì Dũng đã lên tiếng: “Hồi đầu mùa cháu chẳng qua đây mua rồi còn gì? Cháu là cháu của chú Thiết ngoài thị trấn đây, chú nhớ chưa”.

Gã chủ quán nhìn kỹ lại mặt Dũng, gã thở phì một tiếng rồi văng tục: “Thế mà đ. bảo ngay từ đầu, làm bố mày giả ngây mãi. Lần này định lấy bao nhiêu. Nhưng nói trước là giờ không phải mùa, mới lại công an làm gắt quá nên giá sẽ cao hơn nhiều đấy”.

“Giá cả thế nào” - Tôi hỏi. Gã trả lời thẳng tuột: “2 triệu một bình 5 lít”. Tôi đồng ý và đề nghị được vào kho xem hàng. Thế nhưng, ý định đó của tôi ngay lập tức bị dập tắt. Gã chủ quán bảo rằng, họa có điên mới để thứ rượu này ở nhà, lỡ chẳng may công an ập vào khám thì chỉ có nước ở tù thôi. Gã dặn chúng tôi ngồi nguyên trong buồng chờ đợi. Sau khi ra ngoài được chừng 5 phút, gã chủ quán khệ nệ bê vào buồng một bao tải bên trong có chứa ba bình rượu. Rễ, thân và quả cây thuốc phiện được để trong chiếc hộp nhựa trong suốt. Vừa bỏ bình rượu ra khỏi bao tải, gã chủ quán vừa hồ hởi quảng cáo: “Đây là một loại rượu “đặc sản”, là thứ “quốc hồn, quốc tửu”, một phát minh vĩ đại của người dân nơi đây. Uống loại rượu này vào sẽ tráng dương bổ thận, tăng cường sinh lực cho đàn ông yếu khoản ấy. Giảm đau tức thời đối với người đau bụng và nhức mỏi xương cốt. Nói thật với các chú, hai năm trước tớ quanh năm ốm yếu, khổ nhất là bệnh đau lưng và yếu “khoản kia”. Còn bây giờ thì khỏi phải nghĩ… tất cả là nhờ cái này”.

Sau một hồi quảng cáo sản phẩm, gã chủ quán còn cao hứng mời chúng tôi mỗi người một cốc. Vừa đưa cốc rượu lên miệng tôi đã cảm nhận thấy mùi hắc hắc rất lạ. Hớp một chút thì thấy chát xít nơi đầu lưỡi. Chỉ có thế, thứ rượu này rất ít mùi vị và chắc chắn nó không thể gọi là rượu ngon.

Nó không thơm ngon gì nhưng tại sao từ miền xuôi lên miền ngược người ta lùng mua và giá cả của nó lại đắt “khét lẹt” đến như vậy. Nguyên nhân là, người ta càng cấm thì thứ này càng hiếm, mà càng hiếm thì càng đắt. Mặt khác, nó được đồn đại là thần tửu giường chiếu nên hỏi sao những gã đàn ông “hơi yếu một tí” lại không cắn răng lùng mua cho bằng được.

Quả cây thuốc phiện tươi
Quả cây thuốc phiện tươi

Họ cứ nhắm mắt cắn răng uống thứ rượu này mà không biết rằng, nó là thuốc độc có thể giết người. Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng khi biết thông tin từ bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu - Bệnh viện E. Bác sĩ Hiếu cho biết: “Khi sử dụng rượu ngâm hoa, quả, cây thuốc phiện, người dùng có khả năng bị nghiện. Việc sử dụng loại rượu này liên tục, trong một thời gian dài sẽ tác động xấu đến sức khỏe, khiến người sử dụng có khả năng bị tê liệt thần kinh, giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, việc lạm dụng rượu có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận, kèm theo đó là các bệnh về tim, mạch và tiêu hóa cùng một số cơ quan nội tạng khác, thậm chí có thể suy giảm về nhân cách. Với người sử dụng rượu có ngâm quả thuốc phiện, khi xét nghiệm sẽ cho kết quả dương tính với ma túy”.

Tai hại là, nếu dùng rượu ngâm cây thuốc phiện với nồng độ đậm đặc và quá liều có thể gây ngộ độc dẫn đến chết người. Trước đây, trong một số bài thuốc đông y đã dùng quả thuốc phiện khô để trị một số bệnh về đường ruột song chỉ với một liều lượng nhất định, nếu không sẽ gây nghiện. Đến nay, do có nhiều loại thuốc thay thế nên đông y đã không dùng những vị thuốc liên quan đến cây thuốc phiện nữa. Do chưa có nghiên cứu, tài liệu nào chứng minh nên những lời quảng cáo, đồn thổi về công dụng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lý của loại rượu ngâm rễ, hoa quả, cây thuốc phiện là không có cơ sở.

Thực tế đã phản ánh rõ ràng tình trạng này. Công dụng của thần tửu thì chẳng thấy đâu, nhưng đã có không ít vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây thuốc phiện do sử dụng quá nhiều. Gần đây, 6 bợm nhậu ở xã Bản Mù, Trạm Tấu, Yên Bái đã phải vào viện cấp cứu do ngộ độc rượu ngâm rễ cây thuốc phiện ở Bệnh viện Y học cổ truyền Yên Bái.

Biết nhưng khó xử lý

Có một sự thực là, bản thân những người trực tiếp… trồng cây anh túc cũng không hề biết gì về công dụng trên giời của thứ rượu này. Tôi hỏi anh Giàng A Sinh ở Bản Mù, huyện Trạm Tấu về công năng thực sự của loại rượu này, anh Sinh ngây ngô trả lời: “Nào tao có biết gì. Trước nhà tao có trồng anh túc, sau bị Nhà nước lên bắt phá đi. Tao chặt cây, nhổ rễ đem về nhà phơi định để nhóm bếp dần. Thế rồi mấy đứa dưới huyện lên tìm mua cây khô, một kilôgam họ trả cho tao 80 nghìn. Dại gì mà tao không bán”.

Bản Mù của Sinh là người Mông toàn tòng. Hạt anh túc vẫn lén lút theo tay người Mông lên tận những đỉnh núi cao xa xôi hoặc khe suối hẻo lánh để mọc thành cây. Đương nhiên, họ không dám gieo nhiều hạt, mỗi khu vực chỉ vành ra một khoảnh, rắc hạt xuống rồi để đó kệ nó tự mọc. Đến dịp gần tết, họ tìm vào khu vực đó nhổ cây, rũ đất đem về phơi khô đợi thương lái lên thu mua. Vì trồng lẻ tẻ, lại chọn địa hình hiểm trở nên họ ít bị phát hiện. Mỗi vụ, Sinh bán cây thuốc phiện khô cũng được gần chục triệu đồng. Sinh thú thật: “Nuôi con lợn, con gà còn phải cho nó thóc gạo để ăn, trồng cây này chẳng cần chăm sóc gì mà lại được nhiều tiền. Tao biết làm thế này là không đúng nhưng tao có bán thuốc phiện đâu, chỉ bán cây ngâm rượu thôi mà”.

Quả cây thuốc phiện còn tươi cũng được phơi khô đem ngâm rượu
Quả cây thuốc phiện còn tươi cũng được phơi khô đem ngâm rượu

Sinh ngây thơ với lập luận của mình như cả bản Mông này ngây thơ khi vẫn lén lút trồng, lén lút sinh nhai từ loại cây này.

Để đến nỗi, dù các ngành, các cấp ở tỉnh Yên Bái nhiều lần đồng loạt ra quân tiễu trừ cây thuốc phiện nhưng vẫn không thể diệt trừ tận gốc. Đại tá Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái cho biết: Thực hiện kế hoạch 138, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Công an tỉnh cùng với huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải kiểm tra rà soát, xử phạt những người trồng cây thuốc phiện. Tình trạng người dân trồng thuốc đã giảm nhiều. Qua 2 đợt rà soát của Công an tỉnh vừa qua, đã triệt phá được 2,15ha.

Tuy nhiên, tình trạng người dân trồng lén lút trong các ruộng cải, ruộng ngô, tán cây to, trong khe núi và những vùng giáp ranh với tỉnh Sơn La vẫn tồn tại. Vì địa hình hiểm trở nên lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý dứt điểm. “Qua nắm bắt thực tế, chúng tôi thấy hầu hết người dân chỉ trồng cây thuốc phiện từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau là thu hoạch, nên trong giai đoạn này chúng tôi đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát. Các đối tượng trồng cây thuốc phiện giờ cũng nghĩ ra nhiều kế để đối phó với các cơ quan chức năng như việc họ không trồng đại trà nữa. Họ chỉ trồng trong các giỏ kiểu như giỏ lan, khi kiểm tra, các đối tượng có thể nhanh chóng chuyển đi nơi khác hoặc đem xuống hầm cất giấu”, ông Chiêu cho biết.

Trước diễn biến phức tạp, tỉnh đã giao cho Công an tỉnh phải kiểm tra, thu giữ những trường hợp dùng thuốc phiện để ngâm rượu. Xử lý nghiêm những trường hợp mua bán và sử dụng loại rượu này. Mặc dù biết một số trường hợp ở Nghĩa Lộ và Trạm Tấu có buôn bán. Nhưng việc bắt giữ hết sức khó khăn vì người ta thường bán lén lút. Hầu hết họ biếu, sử dụng chung và bán cho những người quen nên việc bắt quả tang để xử lý gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên đang thử hỏi mua rượu ngâm thuốc phiện
Phóng viên đang thử hỏi mua rượu ngâm thuốc phiện
 
Một vấn đề khác là, thực tế, những chất ma túy chỉ có trong nhựa thuốc phiện mà thôi, còn thân cây và đặc biệt là rễ nếu có cũng không nhiều nên không quy định xử lý những hành vi liên quan đến thân, rễ cây thuốc phiện. Theo quy định, các đối tượng vận chuyển từ 5kg quả khô thuốc phiện trở lên sẽ bị khởi tố hình sự, trong trường hợp Cơ quan Công an chứng minh được họ có mục đích mua bán. Điều đó có nghĩa là các trường hợp vận chuyển thân, rễ, lá thì chỉ xử phạt hành chính. Thực tế, chỉ có một số tỉnh như Yên Bái ra văn bản nghiêm cấm mua bán, tàng trữ và sử dụng các sản phẩm từ rễ cây thuốc phiện. Vì vậy, tình trạng vận chuyển, buôn bán rượu ngâm cây thuốc phiện vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh thị hiếu và tin đồn về thần dược tráng dương từ loại rượu này đang ngày càng lan rộng tới các thành phố lớn.

Có thể thấy rằng, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, trong khi khoản lợi nhuận kiếm được từ việc sản xuất rượu ngâm các sản phẩm của cây thuốc phiện lại quá lớn nên việc sản xuất và mua bán loại rượu này vẫn diễn ra một cách âm ỉ. Điều đó, vô hình trung đã thúc đẩy cho việc tái trồng cây thuốc phiện.

Có lẽ, việc làm cho người dân hiểu rõ ràng hơn nữa việc trồng cây thuốc phiện - dù chỉ là bán ngâm rượu - là phạm pháp cũng quan trọng không kém việc “tố giác” tính năng thần dược giường chiếu là bịp bợm. Một khi người ta không còn lùng mua thứ rượu này nữa thì người dân cũng sẽ tự ý bỏ cây thuốc phiện đi. Nghĩ là nghĩ vậy nhưng với những gã đàn ông phàm tửu, ngu muội và dại dột thì đây cũng không phải là một việc dễ.
 
Theo Vũ Hải Hậu
Petrotimes