1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đi tìm những gốc đào trứ danh

Xưa, chỉ với một cành đào nhỏ, bước vào nhà là đã thấy hương Tết phảng phất. Giờ, nhiều người có tiền kỳ công tìm bằng được những gốc đào ưng ý. Nghề trồng đào “khủng” cũng từ đó mà ra đời.

Đào “khủng” về phố

 

Cách nhanh nhất để có được một gốc đào to là ghép. Ghép gốc đào rừng với mắt đào bích. Sau một năm gốc đào rừng đã đơm những nụ đào bích thắm sắc. Mỗi gốc đào này được bán ra với giá “choáng váng”. Nhưng số tiền đầu tư, chăm sóc đào “khủng” cũng không rẻ rúng gì. Để có được một gốc đào ưng ý, người trồng đào phải cất công săn tìm gốc đào rừng, hầu hết là  ở mạn Tây Bắc hay dưới chân núi Mẫu Sơn. Mỗi gốc đào như thế đưa về Hà Nội cũng phải vài ba triệu đồng. Song, thiên nhiên đâu phải vô tận, những gốc đào cổ thụ ngày một hiếm đi. Dưới chân núi Mẫu Sơn, giờ thưa thớt đào, do phải phục vụ thú chơi của người thành phố.

 

Săn đào đã khó, mà trồng được đào rừng trên mảnh đất Phú Thượng- Nhật Tân lại càng khó hơn. Không hợp thủy hợp thổ, đào rừng về phố, hợp đất phù sa sông Hồng quá cây thì tốt um, cuối năm chỉ cho lá. Lại cũng có cây quyến luyến với rừng, dù chăm cỡ nào cũng gầy rộc, xác xơ…Chuyện ghép đào cũng chẳng phải ai cũng làm được, tỷ lệ thành công cũng chỉ vài chục phần trăm. Lại thêm, tuổi thọ của đào ghép cũng chỉ đến 3 năm là cùng. Thế nhưng, chuyện mang đào rừng về lai đào phố gần như đã thành phong trào, bởi thu lãi nhanh, hiệu quả cao. Không mấy người còn giữ được những gốc đào nguyên bản.
 
Đi tìm những gốc đào trứ danh - 1


 

…Và chuyện những người sành chơi

 

Mặc cho những gốc đào khủng ê hề bày ra mặt phố, các cơ quan, công sở, hay những người vỗ ngực “sành” chơi quẳng cả đống tiền ra, rước đào cổ thụ về…Còn có một dạng sành đào khác, cất công tìm bằng được những gốc đào lâu năm, chính hiệu đất đào, tất nhiên là không phải những gốc đào ghép. Anh  Nguyễn Ngọc Lân (Bến Bạc- Phú Thượng- Tây Hồ- Hà Nội) là người đã gắn bó cả đời với nghề trồng đào này. Với diện tích hơn 2 sào đất bãi sông Hồng. Mỗi năm anh ươm trồng chừng hơn 200 gốc đào. Có một nguyên tắc bất di bất dịch trong lối kinh doanh của gia đình anh Nguyễn Ngọc Lân là chỉ cho thuê chứ không bán, dù cho ai đó có trả giá cao đến đâu. Chính vì nguyên tắc này, mà đến nay anh là người sở hữu những gốc đào cổ thụ “xịn”.

 

Trước gia đình anh cũng có vài sào tại dinh đào, sau khi nhường đất xây dựng khu đô thị Ciputra, gia đình anh chuyển ra Bến Bạc- Phú Thượng, dưới chân cầu Thăng Long. Năm đầu tiên trồng đào trên đất mới, đất bãi, phù sa tươi tốt. Cây mọc um tùm, cuối năm toàn lá, không có đến một bông hoa. Thất bại đầu tiên đã cho anh kinh nghiệm xương máu, buộc anh phải mua đất đồng về đôn vườn lên. Mỗi gốc là một khối đất…Mỗi năm một lần, đếm đủ đã được 15 năm.

 

Vườn nhà anh giờ có những gốc đào lên tới 30 năm tuổi, đường kính gần 40cm. Nhiều người trong nghề nhìn thấy không khỏi trầm trồ. Những cây đào thế này anh không bán mà chỉ cho thuê gốc.  Những gốc đào lâu năm, giá tiền thuê lên tới 40-50 triệu đồng/ gốc. Vườn đào nhà anh nằm mãi mép sông Hồng, cách vườn đào Nhật Tân đến cả cây số. Không nằm ở “trung tâm” dinh đào mới song không vì thế mà ế hàng. 20 tháng Chạp đến thăm vườn, 2/3 các gốc đào đã được chuyển đến cho khách hàng theo hợp đồng đã ký cả nửa năm nay. Vườn đào nhà anh, chủ yếu phục vụ khách quen. Khách nhớ chủ, gần cuối năm thì tìm đến, chọn một gốc ưng ý, rồi đánh dấu. Cuối năm đến chở cây về. Ngoài rằm tháng Giêng thì mang trả lại gốc.

 

Mách nước cho chúng tôi chọn một gốc đào chuẩn theo đúng phong thủy anh Nguyễn Ngọc Lân cho biết, một cây đào thế đẹp, căn cứ vào 3 yếu tố thời gian, tuổi chơi và giáng thế. gốc, thân đào thế càng to, khỏe sần sùi, già bao nhiêu thì càng làm tôn lên vẻ đẹp cho thế đào bấy nhiêu. Các thế đào được nhiều người sành chơi lựa chọn thường là thế ngũ phúc, tam đa, long giáng, bạt phong, hay quần tụ. Khi chọn đào thế cần chú ý, phải có đủ bộ tứ quý: hoa, nụ, lộc và quả, bởi đó là biểu tượng cho sự an nhàn, no đủ.

 

Những bông bạch đào đã nở hoa

 

Nói về bạch đào, cố nhà văn Băng Sơn, người được mệnh danh là nhà “đào học” đã ví loài hoa trắng muốt ấy như một thiếu nữ duyên dáng, như một con công giữa bầy chim sẻ. Không chỉ những người yêu hoa mà bất cứ ai đã từng một lần được chiêm ngưỡng thì đều không dấu nổi niềm đam mê, say đắm với loài hoa này. Nhà văn Băng Sơn thổ lộ ngày Tết, tìm được cành hoa đào ưng ý chơi trong nhà đã là một niềm vui lớn, nhưng nếu có được cành hoa quý hiếm như bạch đào trong những ngày đầu xuân thì quả là một sự may mắn.
 
Đi tìm những gốc đào trứ danh - 2

 

Xưa nay giống bạch đào, cánh trắng như tuyết, thần thái tinh khôi xuất hiện đâu đó trong những câu chuyện kể của những người Hà Nội. Song nhiều người tự xưng là dân trồng đào gốc ở Nhật Tân, Phú Thượng khi được hỏi về bạch đào cũng thú nhận mình mới từng nghe kể về một loại hoa giống hệt như hoa đào, cánh mỏng và trắng một mầu tinh khiết mà cũng chưa từng nhìn thấy. Và thế là câu chuyện về loài bạch đào, nở hoa vào ngày Tết nguyên đán đã dần trở thành huyền thoại.

 

Cùng với thời gian, người chơi đào chỉ còn biết đến hai loại là đào bích, đào phai và một thú chơi cũng được nhiều người thành phố yêu thích khoảng mươi năm trở lại đây chính là đào rừng. Vậy mà có một người nông dân 25 năm trước đã cả gan “đánh thức” huyền thoại về một loài hoa quý, đưa bạch đào quay trở lại và nở hoa trên đất đào Hà Nội. Năm nay, vườn bạch đào quý duy nhất còn lại ở đất đào Xuân Đỉnh đã nở hoa trắng muốt. Chỉ dăm ba cây đào trắng mong manh trong cả một vườn đào thắm nhưng từng đó thôi cũng đủ để đưa người sành chơi về với vườn đào hẻo lánh ấy.

 

 Người đến chọn một gốc đào phai, đào bích và rất nhiều trong số đó tìm đến vườn để được chiêm ngưỡng những bông hoa đầu tiên của những cây bạch đào chi tử đang góp phần hồi sinh một loài hoa quý trên đất đào.

 

Theo Mai An

Lao động