1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đi tìm bóng dáng quan tài treo của người Giẻ Triêng ở Kon Tum

(Dân trí) - Những chiếc quan tài treo trên thân cây bí ẩn ở vùng Bắc Tây Nguyên như có lực hút thôi thúc chúng tôi phải tìm cách “mục sở thị” và khám phá những câu chuyện huyền bí hư thực về khu rừng thiêng.

Qua khỏi trung tâm thị trấn Đắk Glei, chúng tôi ngược những cung đường uốn lượn bên sườn núi. Mây mù bao phủ đặc quánh che khuất tầm nhìn như chực hất tung chiếc xe xuống vực. Từ đỉnh đèo Lò Xo, ngược về phía tây khoảng 15km, vượt qua những con đường ghồ ghề xuyên dưới những tán lá rừng, cuối cùng, chúng tôi cũng đến được với ngôi làng nhỏ Pung Tôn, xã Đắk Blô huyện Đắk Glei (Kon Tum). Ngôi làng này được nhiều người đồn thổi có khu rừng ma bí ẩn mà bất cứ ai vào sẽ chết khiến những người trong làng không một ai dám tới gần.
 
Dấu tích còn sót lại của khu rừng ma chỉ là những thân gỗ mục bắc ngang qua những thân cây gỗ lớn.
Dấu tích còn sót lại của khu rừng ma chỉ là những thân gỗ mục bắc ngang qua những thân cây gỗ lớn.

Trưởng thôn Pung Tôn A Lếk cho biết: “A Căn và A Gõk là những người đi đầu trong việc “táng treo” ở làng Pung Tôn. Theo sau A Căn và A Gõk có một số người cũng thực hiện việc táng treo nhưng quan tài không lớn bằng.”

Trưởng thôn A Lếk nhớ lại, A Gõk chết năm 1976, khi đó gia đình A Gõk giàu lắm, trong nhà có mấy trăm con trâu, ruộng nương bạt ngàn, rất nhiều chiêng , ché quý… Khi A Gõk chết, các con của A Gõk mua những ống nhôm dùng chứa bom bi trong chiến tranh, thuê người gò thành hình chiếc quan tài lớn sau đó đặt xác cha vào rồi cùng nhau mang lên “rừng ma” của làng để treo.

Hơn mười năm sau, năm 1989, vợ A Gõk vị bạo bệnh mà qua đời. Các con của A Gõk khiêng xác mẹ lên trên rừng ma, mở quan tài ra, dùng tay lùa xương cốt của cha qua một bên rồi đặt xác mẹ vào để cho hai người mãi bên nhau.
 
Dấu tích còn sót lại của khu rừng ma chỉ là những thân gỗ mục bắc ngang qua những thân cây gỗ lớn.
Năm 2007, khi cây cầu treo này được xây dựng, những chiếc quan tài không còn còn nữa, đồng thời từ đó rừng ma dần biến mất.

Còn A Căn một người nếu so sánh về tài sản thì không giàu có bằng “tiền bối” A Gõk. Tuy nhiên, nhà A Căn có nhiều con trai, nên khi chết vào năm 1980, những người con của ông mua ống nhôm về gò thành quan tài, sau đó đặt trên thân cây gỗ được đặt lơ lửng cách mặt đất chỉ hơn 1m để “táng treo” cho ông.

Sau đó cũng có một số gia đình “táng treo” người chết nhưng không phải làm quan tài bằng nhôm như hai “tiền bối” mà được đục từ thân của một loại gỗ cứng ở trên rừng.

Nghe xong câu chuyện về khu rừng ma từ trưởng thôn A Lếk, chúng tôi nhờ ông dẫn tới khu rừng ma nhưng ông gạt phắt: “Không được đâu, vào đó con ma rừng sẽ bắt lại và chết trong trong đó đấy”. Sau một hồi năn nỉ, cuối cùng, ông cũng đồng ý cho người con trai A Vũ dẫn chúng tôi đi tới rừng ma nhưng không quên cảnh cảnh báo “vào đó sẽ bị con vắt nó hút máu cho tới chết”.

Qua những con đường mòn, qua cây cầu treo bắc qua dòng suối nhỏ một khoảng rừng cây cối um tùm, rậm rạm theo như lời A Vũ thì đó là vị trí tọa lạc của khu rừng ma, sở dĩ khoảng rừng này còn xanh tốt như vậy do không ai dám vào đó chặt phá vì sợ “con ma giết chết”.
 
Bây giờ, người Giẻ Triêng ở Pung Tôn chôn cất, xây mộ cho người chết rất kiên cố.
Bây giờ, người Giẻ Triêng ở Pung Tôn chôn cất, xây mộ cho người chết rất kiên cố.

Qua khỏi cây cầu treo, khu rừng già dần hiện ra, âm u, hoang vắng đến lạnh người. A Vũ không dám bước tới thêm vì “sợ ma theo” mà đứng đợi chúng tôi ở dưới cây cầu, đồng thời chỉ cho chúng tôi cứ tiếp tục đi lên đỉnh đồi, đến khi nào gặp khoảng đất bằng phẳng thì khu rừng ma ở đó.

Ngược theo con đường mòn dẫn sâu vào trong khu rừng, cảm giác rờn rợn lạnh sống lưng khi như có một bóng dáng vô hình dõi theo bước chân của chúng tôi phía sau. Đâu đó những con chim vỗ cánh phá tan bầu không khí tĩnh lặng không một tiếng động.

Tận mắt chứng kiến, khu rừng ma không như những gì chúng tôi tưởng tượng về những chiếc quan tài treo lủng lẳng trên thân cây, cũng không có những chiếc quan tài đặt cách mặt đất chừng hơn một mét. Nơi đây chỉ còn những thân cây gỗ cao lớn, những ngôi mộ lè tè gần như bằng mặt đất. Ở những ngôi mộ đó cũng không có những chiếc chiêng, ghè, cuốc, dao… vẫn thường được chia cho người chết theo tập tục của người địa phương. Đảo khắp một vòng của khu rừng ma cũng không phát hiện được gì nhiều hơn, thoáng chút thất vọng, chúng tôi quay đầu trở về.

A Vũ đứng đợi chúng tôi ở dưới chân cầu. Mang những thắc mắc của về sự “mất tích” của khu rừng ma hỏi A Vũ, A Vũ cho biết: “Năm 2007, khi những công nhân tới xây dựng chiếc cầu này, họ đã lên chôn cất những chiếc quan tài, cùng những đồ được chia cho người chết cả rồi”.

Hoàng Thanh