PhotoStory

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Sau 10 năm được xếp hạng cấp Quốc gia, Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (Hà Tĩnh) không được bảo vệ theo qui định, khiến nơi đây phải đối mặt với sự xâm hại đến từ nạn săn tìm cổ vật.

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 1

Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là một cồn cát lớn ở xã Xuân Viên (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nằm giữa hai sườn núi của dãy Hồng Lĩnh, có độ cao khoảng 6-7m so với mực nước biển.

Theo Bảo tàng Hà Tĩnh, đầu năm 1974, Viện Khảo cổ học khảo sát trên địa bàn xã Xuân An và phát hiện 1 khuyên tai, 2 đầu thú. Tháng 5 năm đó, Khoa lịch sử thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã phát hiện và thăm dò, thám sát địa điểm bãi Phôi Phối. Theo nhận định lúc bấy giờ của đoàn nghiên cứu, di chỉ Phôi Phối có niên đại hậu kỳ Đá mới và mang nhiều nét tương đồng với di chỉ cồn Lôi Mốt (xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 2

Đến năm 1976, Khoa lịch sử (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) chính thức tiến hành khai quật di tích bãi Phôi Phối. Kết quả khai quật cho thấy đây là một di chỉ hậu kỳ Đá mới, thuộc văn hóa Bàu Tró (Quảng Bình).

Mùa hè năm 1977, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (từ 2011 sáp nhập thành Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đến khảo sát bãi Phôi Phối, phát hiện một số mảnh gốm, đặc biệt là 2 vòng thủy tinh màu xanh lục, cho thấy sự tồn tại của một giai đoạn muộn hơn ở khu vực này.

Trong 30 năm sau đó, các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học đã vài ba lần phúc tra lại di chỉ bãi Phôi Phối, chủ yếu khảo sát trên bề mặt, không tiến hành bất cứ một cuộc thám sát và khai quật nào.

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 3

Đến tháng 11/2008, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và cán bộ UBND xã Xuân Viên thông báo về việc người dân đào được rất nhiều đồ cổ trong quá trình lấy cát, đặc biệt là đồ đồng trong khu Bãi Cọi, liền kề với di chỉ Phôi Phối được phát hiện trước đó. Sau khi nhận thông tin, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh khảo sát kỹ khu vực này (Ảnh: Bảo tàng Hà Tĩnh).

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 4
Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 5

Từ năm 2008-2013, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cùng các đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước tổ chức 3 đợt thám sát, khai quật. Qua đó, cơ quan chuyên môn phát hiện kho hiện vật bằng gốm, đồng, sắt, cụm mộ táng, mộ chum, đồ tùy táng... có niên đại khoảng 2.000 năm (Ảnh: Bảo tàng Hà Tĩnh).

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 6

Kết quả khai quật cho thấy tính chất văn hóa phong phú, đa dạng của di tích Bãi Cọi. Nơi này không chỉ có yếu tố của văn hóa Sa Huỳnh (khu vực Nam Trung Bộ), mà các yếu tố của văn hóa Đông Sơn (miền Bắc và Bắc Trung Bộ) cũng có mặt rất đậm. Bên cạnh đó, một số yếu tố văn hóa đồ sắt của Trung Quốc cũng được ghi nhận. Điều đó cho thấy với vị thế đặc biệt của mình, Bãi Cọi là một điểm hẹn, nơi gặp gỡ của các nền văn hóa lớn thời Sơ sử ở Việt Nam.

Nhận thấy tầm quan trọng cũng như những giá trị đặc biệt của di tích, năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp Quốc gia.

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 7

Thế nhưng, sau 10 năm được công nhận Di tích cấp Quốc gia, Phôi Phối - Bãi Cọi vẫn chỉ là một cồn đất cát bị bỏ hoang, ở giữa là trồng cây bạch đàn. 

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 8

Khu di tích không được xây dựng hàng rào ngăn cách và không có người trông coi. Người dân địa phương tận dụng khu vực này để lùa gia súc, gia cầm vào chăn thả.

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 9

Trong khu di tích xuất hiện những hố đào xới và vết bánh ô tô còn rất mới do người dân đến khai thác cát trái phép để lại.

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 10

Các trục đường dân cư bên cạnh có nhiều biển báo nhưng khu di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia lại không có một biển chỉ dẫn hay giới thiệu nào.

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 11

Theo người dân địa phương, những năm trước, khi nghe tin khu vực này có cổ vật, một số đối tượng lạ mặt đến đây đào xới, săn tìm.

Ngày 23/2, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Phi Công, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, cho biết Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi đang hàng giờ đối mặt với sự xâm hại đến từ nạn săn tìm cổ vật và khai thác cát trái phép.

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 12

Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho hay, theo Luật Di sản văn hóa, di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia phải khoanh vùng thành 2 khu vực để bảo vệ. Khu vực 1 chứa đựng các yếu tố gốc của di tích nên phải khoanh vùng bảo vệ theo phương án bất khả xâm phạm. Khu vực 2 bao quanh khu vực 1, có thể điều chỉnh, tu bổ hoặc xây dựng các công trình mới hỗ trợ nhưng cần hài hòa với di tích gốc.

"Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp bảo vệ kịp thời như xây dựng hàng rào. Nếu không, di tích sẽ đối mặt với sự xâm phạm của động vật hoặc con người, điều đó sẽ làm sai lệch di tích", ông Công nói.

Di tích Quốc gia thành nơi chăn bò, nguy cơ bị xâm hại từ nạn tìm cổ vật - 13

Vị trí di chỉ khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi (Ảnh: Google Maps).