1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Di tích “cấm vi phạm” thành bãi thải của súc vật

(Dân trí) - Chuyện những di tích văn hoá lịch sử bị xâm hại từ lâu đã không còn là chuyện mới. Nhưng ngay giữa Hà Nội mà một khu lăng mộ của danh nhân văn hoá lịch sử bị biến thành bãi xả của súc vật thì có lẽ “không đâu có được”.

“Một danh nhân trác tuyệt”

 

Đó là lăng mộ của cụ Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) một danh nhân sinh trưởng tại làng Kim Lủ nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ năm 1865 làm quan 30 năm dưới 7 đời vua triều Nguyễn; từng giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong triều như Thượng thư Bộ Lại, Cơ mật viện đại thần, Văn minh điện đại học sĩ, Phủ doãn Thừa Thiên và Bắc kỳ kinh lược sứ.

 

Ngày 1/4/1991, tại Văn Miếu đã diễn ra hội thảo khoa học về danh nhân Nguyễn Trọng Hợp. Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều khẳng định Nguyễn Trọng Hợp là một danh nhân trác tuyệt, một vị quan có tư tưởng duy tân, có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao.

 

Ngày 5/9/1994, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định xếp hạng lăng mộ và nhà thờ Nguyễn Trọng Hợp ở làng Kim Lủ là di tích lịch sử văn hoá.

 

Chính vì là một di tích gắn liền với tên tuổi của một danh nhân gắn liền với lịch sử ngàn năm Thăng Long nên các nhà khoa học đều đánh giá cao vai trò bảo tồn của di tích này, nhất là khi lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long đang đến gần.

 

Lăng mộ nhếch nhác và hoang tàn

 

Nhìn từ đường dẫn vào khu di tích, không ai có thể tin nổi đây là một di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng hơn 10 năm trước. Một bên cổng khu di tích đã được san bằng để làm ngõ dẫn vào khu tập thể 49 Công Binh. Án ngữ phía trước cổng vào di tích là những đống gạch, cát cao lút đầu người, che chắn gần kín mặt tiền khu di tích. Phải rất chật vật len lách qua những đống vật liệu xây dựng ngổn ngang, chúng tôi mới tìm được tấm biển xi măng (may mắn thay) với nét chữ còn khá rõ nét: “Lăng mộ cụ Nguyễn Trọng Hợp - Di tích đã được xếp hạng - Cấm vi phạm”.

 

 

Di tích “cấm vi phạm” thành bãi thải của súc vật - 1
 

Khi chúng tôi có mặt tại đây, một người đàn ông đang thản nhiên dắt chó tới “giải quyết nhu cầu” ngay trên nền lăng mộ. Và đây chẳng phải là chú chó duy nhất chọn nơi đây làm bãi xả của mình. Quanh khu lăng mộ, súc vật chạy rông và chất thải giăng đầy, tạo nên cảnh vô cùng nhếch nhác, bẩn thỉu.

 

Bên trong khuôn viên, cỏ dại mọc um tùm. Toàn bộ di tích chỉ còn trơ lại một tấm bia tưởng niệm về nhân vật lịch sử nằm một ở vị trí không mấy đẹp đẽ: đằng sau là trụ điện, bên cạnh là la liệt những rác rưởi, cỏ dại, phân súc vật. Một người dân chỉ về về phía khu vực đặt áo quan của danh nhân, nói: “Nhà báo không đến đúng thời điểm, cách đây mấy hôm, toàn bộ áo quan bị cỏ dại che khuất, hàng ngày người nọ người kia đổ các loại rác rưởi làm khu vực của người đã khuất nồng nặc mùi xú uế. Ô nhiễm không kể đâu hết!”.

 

Thiết nghĩ, việc giữ gìn và chăm sóc những khu di tích lịch sử không chỉ nhờ vào ý thức của người dân mà còn rất cần sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng.

 

Hải Phong