1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Di dời nhà máy thép ô nhiễm: Tiến thoái lưỡng nan ?!

(Dân trí) - Kể từ khi nhà máy thép Việt Pháp được đưa vào sản xuất, người dân liên tục phản ứng vì ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều cuộc họp, nhiều văn bản, kể cả gởi bộ ngành xin ý kiến... nhưng việc di dời nhà máy đến nay chưa thể triển khai được.

Nhà máy thép đặt sai chỗ!

Từ năm 2012, khi nhà máy thép Việt Pháp (cụm công nghiệp Thương Tín 1, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) bắt đầu sản xuất, chỉ một thời gian ngắn sau, người dân sống xung quanh nhà máy thép này đã phản ứng vì khói, bụi và tiếng ồn.

Người dân đối thoại với chính quyền địa phương vào tháng 12/2014
Người dân đối thoại với chính quyền địa phương vào tháng 12/2014

Báo Dân trí cũng đã có rất nhiều tin bài phản ảnh về việc này; nhiều cuộc họp, đối thoại giữa chính quyền địa phương và người dân ở đây PV Dân trí cũng tham dự. Tuy nhiên, buổi đối thoại nào cũng “bế tắc” vì mục tiêu cuối cùng của người dân, một là di dời dân, hai là di dời nhà máy thép ô nhiễm này đi nơi khác.

Theo tìm hiểu của PV, bản thân chủ đầu tư nhà máy thép Việt Pháp là Công ty TNHH thép Việt Pháp không có lỗi và người dân địa phương cũng không có lỗi, lỗi là do chính quyền huyện Điện Bàn (thị xã Điện Bàn ngày nay).

Địa điểm thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang – nơi dự kiến đặt nhà máy thép Việt Pháp
Địa điểm thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang – nơi dự kiến đặt nhà máy thép Việt Pháp

Trước đây, khi địa phương kêu gọi đầu tư và mời Công ty TNHH thép Việt Pháp vào đầu tư thì được chỉ vào cụm công nghiệp Thương Tín 1. Đây là nhà máy có phát thải ô nhiễm nhưng cụm công nghiệp này lại nằm gần khu dân cư nên khói, bụi và tiếng ồn phát ra từ nhà máy này dân lãnh đủ.

Vì không chịu nổi ô nhiễm nên dân phải phản ứng tiêu cực bằng cách dựng lều trước cổng nhà máy không cho xe tải chở thép phế liệu vào để luyện phôi nhằm hạn chế ô nhiễm. Mỗi khi người dân dựng lều không cho xe tải vào, nhà máy thiệt hại về kinh tế, công nhân cũng khó khăn…

Việc người dân liên tục “phong tỏa” nhà máy diễn ra nhiều lần từ khi nhà máy này đi vào sản xuất chưa được bao lâu, chính quyền từ thị xã Điện Bàn đến tỉnh Quảng Nam cũng đã nhiều lần tiếp xúc, đối thoại với người dân; nhiều cuộc họp, làm việc từ tỉnh đến Bộ ngành Trung ương nhưng việc giải quyết việc di dời nhà máy thép này đến nay vẫn chưa thực hiện.

Chính quyền tổ chức đối thoại với người dân ngày 25/7/2017
Chính quyền tổ chức đối thoại với người dân ngày 25/7/2017

Tháng 7/2016, Công ty TNHH thép Việt Pháp đã có tờ trình số 044/TTr-Cty/2016 gửi UBND tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Nam Giang về việc thỏa thuận địa điểm thực hiện đầu tư dự án trên.

Tiếp đó, ngày 30/8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam có Công văn số 4209 về chủ trương nghiên cứu đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang của Công ty TNHH thép Việt Pháp.

Tháng 9/2016, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Huỳnh Khánh Toàn – đã có thông báo số 420 về thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) để di dời nhà máy thép Việt Pháp lên.

Sau khi tỉnh Quảng Nam có công văn thỏa thuận địa điểm để lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy thép Việt Pháp, Chủ tịch TP Đà Nẵng – ông Huỳnh Đức Thơ – đã có văn bản “bày tỏ quan ngại” về việc nhà máy thép Việt Pháp đặt tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang – nơi đầu nguồn con sông Vu Gia vì đây là con sông chính cung cấp nước sinh hoạt cho TP Đà Nẵng.

Nhiều lần người dân dựng lều trước cổng nhà máy để phản đối ô nhiễm, bất kể mưa nắng
Nhiều lần người dân dựng lều trước cổng nhà máy để phản đối ô nhiễm, bất kể mưa nắng

Sau đó, tỉnh Quảng Nam đã có công văn “trấn an” TP Đà Nẵng. “Việc xem xét quyết định chủ trương đầu tư của dự án chỉ được thực hiện khi đảm bảo quy định về đánh giá tác động môi trường và các quy định có liên quan”, văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam gởi TP Đà Nẵng.

Tháng 11/2016, tỉnh Quảng Nam phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xây dựng nhà máy thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam trên tổng diện tích thực hiện dự án là 17,3 ha với công suất 180.000 tấn sản phẩm/năm.

Đã có lối ra?

Gần một tháng nay, người dân sống quanh nhà máy thép Việt Pháp lại dựng lều, ngăn cản không cho xe tải chở thép phế liệu vào nhà máy cũng vì ô nhiễm.

Mấu chốt của việc di dời nhà máy thép khó giải quyết là chủ đầu tư đề nghị tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 130 tỉ đồng để di dời. Tuy nhiên, số tiền này quá lớn và tỉnh Quảng Nam không thể hỗ trợ doanh nghiệp này được.

Do đó, thời hạn di dời nhà máy vào cuối năm 2017, do tỉnh Quảng Nam đưa ra đã không được thực hiện.

Ngày 25/7, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng đã có thông báo kết luận về việc di dời nhà máy thép Việt Pháp lên thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang. Theo kết luận này, thời gian, lộ trình di dời nhà máy thép Việt Pháp trước ngày 31/12/2019.

Cũng trong ngày 25/7, lãnh đạo thị xã Điện Bàn đã tổ chức đối thoại với dân tại đây.

Trả lời với người dân, ông Trần Úc – Chủ tịch thị xã Điện Bàn – cho biết, mới đây nhất, Chính phủ đã có Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực từ ngày 15/7/2017; trong đó, Nhà nước hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp có điều kiện phát triển.

Theo ông Úc, đây là lối thoát hiện nay để sớm di dời nhà máy thép Việt Pháp. Tại buổi đối thoại này, ông Úc nói: “Cách đây khoảng 1 tuần, bà con có hỏi bao giờ di dời (nhà máy thép) thì tôi cũng chịu, nhưng nay đã có lối thoát”.

Tuy nhiên, việc di dời nhà máy thép kéo dài đến tháng 12/2019 thì người dân cũng phản ứng vì họ cho rằng “đã quá đủ” để họ phải chịu cảnh ô nhiễm. Theo người dân, một là di dời sớm, hai là đóng cửa nhà máy thép này. Do đó, sau buổi đối thoại chiều ngày 25/7, người dân vẫn không chịu “nhượng bộ”.

Công Bính