1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Di chỉ ngàn năm bị đào lên để... xây chợ

Khu di chỉ Cồn Điệp (Nghệ An), một di chỉ văn hóa được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong trường phổ thông, được “bất khả xâm phạm” bằng Luật Di sản, được UBND tỉnh giao cho Sở VH-TT và huyện Quỳnh Lưu quản lý, đang bị “xẻ thịt” để... xây chợ!

Di chỉ văn hóa Cồn Điệp nằm cạnh QL 1A, thuộc xã Quỳnh Văn,  huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Theo sách Nghệ An ký thì “Cồn Điệp vừa từng là nơi cư trú vừa là khu mộ của người nguyên thủy. Đến nay đã tìm thấy 31 ngôi mộ cổ và nhiều vật dụng bằng đá, gốm... Dựa vào vị trí của xương sọ và xương chân tay trong các ngôi mộ, chúng ta biết rằng người chết đã được chôn với tư thế ngồi xổm”.

 

Năm 1997, UBND tỉnh Nghệ An có quyết định giao cho Sở VH-TT Nghệ An và UBND huyện Quỳnh Lưu quản lý.

 

Đầu tháng 3/2006, UBND xã Quỳnh Văn đột nhiên cho xây chợ Vân trên khu di chỉ này (thay ngôi chợ cũ được xây dựng từ năm 1976). Theo thiết kế và yêu cầu mặt bằng cho công trình thì chợ nằm gần trung tâm khu di chỉ! Hôm chúng tôi đến, các phương tiện cơ giới đang ồ ạt đào xúc. Vô số lớp vỏ điệp hàng ngàn năm tuổi bị máy múc lên mang đi đổ để làm đường liên hương. Điệp rơi vãi trắng quốc lộ.

 

Trước thảm trạng này, nhiều người dân đã viết đơn đề nghị UBND huyện Quỳnh Lưu cho đình chỉ công trình. Ngày 8/3, UBND huyện có công văn yêu cầu “đình chỉ khai thác mặt bằng di chỉ khảo cổ Quỳnh Văn” và “phải báo cáo chi tiết trước ngày 14/3”. Lệnh phát đi nhưng xã vẫn cứ lờ.

 

Đến ngày 17/3, để nhắc nhở “thực hiện nghiêm túc công văn 8/3”, UBND huyện Quỳnh Lưu lại tiếp tục có công văn do chủ tịch huyện ký yêu cầu ngừng thiết kế, quy hoạch, nâng cấp chợ; phục hồi nguyên trạng di tích như trước đây. Sau đó UBND huyện Quỳnh Lưu nhận được một báo cáo của UBND xã Quỳnh Văn “về việc cải tạo nâng cấp chợ Quỳnh Văn” kiểu “tiền trảm hậu tấu” bởi báo cáo này đề ngày 8/3, nhưng đã tiến hành san ủi Cồn Điệp từ trước đó.

 

Sau 8 ngày thực hiện việc đình chỉ thi công và giữ nguyên hiện trạng việc khai thác, xây dựng trái phép này, ngày 17/3/2006, UBND xã Quỳnh Văn có tờ trình “xin chủ trương tiếp tục khôi phục chợ Vân”.

 

Đáp lại tờ trình này, ngày 3/4/2006, UBND huyện Quỳnh Lưu có công văn trả lời: “Yêu cầu UBND xã Quỳnh Văn chỉ được san khỏa mặt bằng tại diện tích mới khai thác trước ngày 8/3/2006; xây tường bao phía bắc chống xói mòn sạt lở; tuyệt đối không được san ủi, mở rộng thêm diện tích ở bất kỳ hình thức nào; khắc phục lại các lều ki-ốt cũ đã bị hư hỏng và giữ nguyên hiện trạng diện tích ban đầu để phục vụ việc kinh doanh”.

 

Thế nhưng, có được “bảo bối” này, công trình chợ Vân lại nhanh chóng tiếp tục xây dựng, và lần này Cồn Điệp bị đào bới với mức độ nặng nề hơn nhiều. Không phải chỉ “san khỏa mặt bằng” như yêu cầu của huyện, Cồn Điệp bị đào sâu xuống và móng nhà bằng đá lèn được xây lên một cách vội vàng. Các ki-ốt cũ không được “khắc phục lại và giữ nguyên hiện trạng diện tích ban đầu” mà bị đập bỏ hoàn toàn rồi đào lên để xây chân móng mới cạnh bên móng cũ.

 

Không thấy “xây tường bao bảo vệ phía bắc” mà nhiều đường móng nhà được đào thẳng vào trung tâm và chếch hướng tây Cồn Điệp. Hơn 1.000m2 trong tổng diện tích Cồn Điệp (gần 6.000m2) đã bị đào bới. Do thi công trên đỉnh, nên đã phải san ủi mặt bằng sâu từ 20 - 70cm. Khi chúng tôi có mặt tại công trình, một vài đoạn móng đang được đào sâu quá đầu người thợ.

 

Ông Nguyễn Hữu Quế - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn “ngây thơ”: “Chúng tôi chưa hề nhận được bất cứ một công văn, một quyết định nào công nhận Cồn Điệp này là di chỉ khảo cổ học. Còn chợ Vân là chợ lịch sử. Chúng tôi làm được sự chỉ đạo, đồng ý bằng công văn của huyện. Xây chợ cũng là để bảo vệ khu di chỉ đó chứ có phá đi hay làm mất hiện trạng, dấu vết gì đâu” (?!).

 

Theo Bình Ngọc - Khánh Hoan

Thanh Niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm