1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đi bơi, không cẩn thận rước bệnh vào thân

Nhiều bể bơi nước trong vắt nhưng vẫn không ít người phải gánh bệnh từ đây, tiến sỹ Lưu Văn Bôi tiết lộ, đó thực chất đó chỉ là cách đánh lừa thị giác. Thực tế, một số bể bơi tại Hà Nội có thể dùng chất làm trắng nước tạo cảm giác yên tâm cho khách.

 
Đi bơi, không cẩn thận rước bệnh vào thân  - 1
(Ảnh minh họa)

Hối hả ra bể bơi tránh nóng

 

Từ khi được nghỉ hè tới giờ, ngày nào bé Nam (đường Nguyễn Phong Sắc - Hà Nội) cũng ngóng mẹ về sớm. Chiều chiều, thoáng nghe tiếng mở cửa là Nam đã ù chạy lên gác thay quần áo. Cậu cũng không quên vác theo lỉnh kỉnh đồ chơi, toét miệng đứng đợi mẹ đèo ra bể bơi gần nhà.

 

5 giờ chiều, bể bơi Làng quốc tế Thăng Long chật ních người. Mặc dù đã có 2 bể dành riêng cho trẻ em và người lớn nhưng phần lớn mọi người chỉ dám bơi… cầm chừng vì mật độ người trong bể khá đông đúc.

 

Một tay xách túi, tay kia dắt theo 3 cháu nhỏ, chị Hiền, mẹ bé Nam cho biết: “Từ khi các cháu thi xong, ngày nào chúng cũng đòi ra bể bơi. Mình đành cố gắng về sớm để đưa các cháu đi không cũng tội vì phải ở nhà cả ngày”.

 

Theo kinh nghiệm của chị Hiền, sang tuần, khi đợt không khí mát bị vùi lấp bởi cái nóng cháy người của mùa hè, số lượng người tới bể bơi sẽ còn tăng nhanh nữa.

 

“Tuần này trời mát như vậy nhưng vào thời điểm cuối giờ chiều, muốn mua vé mình cũng phải xếp hàng tốn không ít thời gian. Vài hôm nữa trời nắng lên, không hiểu còn đông tới mức nào,” chị Hiền nhăn nhó.

 

Có mặt tại bể bơi Sao Mai (số 10 Đặng Thai Mai), chúng tôi khá ngạc nhiên vì mặc dù thời tiết không quá nóng bức, lại là thời điểm 6 giờ tối nhưng nơi đây vẫn khá tấp nập khách ra vào.

 

Điều đáng nói là, mặc dù đây đã là ca bơi gần cuối, nhưng lạ một điều, nước bể vẫn ngăn ngắt xanh một màu.

 

Anh Đức, nhà ở Lạc Long Quân cho biết: “Đi bơi vào cuối giờ chiều, tôi cũng lo bể không được sạch. Nhưng thấy nước vẫn trong và xanh nên cũng không bận tâm nhiều.”

 

Giảm nhiệt, tăng bệnh?

 

Thấy đứa con gái nhỏ của mình bị hắt hơi, sổ mũi liên tục sau khi tắm ở bể bơi, chị Phạm Mai vội vã đi mua thuốc cho con uống nhưng không khỏi. Chiều qua, khi đưa cháu đến Bệnh viện tai mũi họng Trung Ương, chị mới hoảng hồn khi biết cháu đã mắc bệnh viêm mũi dị ứng, một bệnh chưa có thuốc chữa.

 

“Cả tuần trước tôi cho cháu đi bơi,  không ngờ lại mắc phải căn bệnh này,” chị Mai than thở.

 

Theo Phó giáo sư - Tiến sỹ Lưu Văn Bôi, Chủ nhiệm khoa Hóa học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay phần lớn các bể bơi tại Hà Nội đều tẩy trùng bằng các chất như Chloramine B hay Javel. Tuy nhiên, tiến sỹ Bội cũng cảnh báo về việc sử dụng những chất này.

 

“Nếu hàm lượng những chất này được sử dụng hợp lý thì tác hại là không đáng kể nhưng nếu vượt mức cho phép có thể dẫn tới dị ứng da, nhức mắt hay thậm chí viêm da, viêm mắt,” ông Bôi khẳng định.

 

Thắc mắc về việc nhiều bể bơi có làn nước trong vắt nhưng vẫn không ít người phải gánh bệnh từ đây, tiến sỹ Lưu Văn Bôi tiết lộ, đó thực chất đó chỉ là cách đánh lừa thị giác. Thực tế, một số bể bơi tại Hà Nội có thể dùng chất làm trắng nước tạo cảm giác yên tâm cho khách tới bể.

 

“Khi sử dụng một số loại hóa chất, nhiều cặn bã trong bể bơi sẽ lắng xuống dưới đáy nhưng  thực chất vi khuẩn trong nước thì không hề bị tiêu diệt,” ông Bôi cho hay.

 

Thừa nhận tình trạng một số bể khi kiểm tra đã có nồng độ thuốc tẩy trùng vượt mức cho phép, chị Hương, bác sỹ khoa Sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: “Một vài năm trở lại đây, chất lượng nước tại các bể bơi ở Hà Nội đã tốt lên nhưng vẫn có một số bể chưa thực hiện đúng quy định”.

 

Không những thế, theo chị Hương, tất cả các bể bơi đều quy định về việc tắm tráng trước khi xuống bể nhưng không phải nơi nào cũng thực hiện tốt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nước bị ảnh hưởng và gây nên nhiều bệnh ngoài da.

 

Theo Xuân Dũng

TTXVN/Vietnam+