Đeo bám chung cư, chờ cải tạo
(Dân trí) - Những người “săn” chung cư cũ hiện nay không vì lý do giá rẻ vì giá mỗi căn hộ “chuồng chim” ấy giờ đã tăng gấp đôi. Chủ nhà biết chung cư đang có giá nên cũng chưa muốn bán. Đôi bên cùng cố đeo bám, đón đầu đợt cải tạo.
“Đón đầu” và “bám trụ”
Giá các căn hộ tập thể cũ không ngừng tăng. Anh chị Thái Thủy tậu được một căn hộ tầng 4 ở khu C4 Thành Công hơn 1 năm trước. Căn hộ rộng hơn 40m2, kể cả phần cơi nới thêm, công năng sử dụng vẫn kém hiệu quả vì cách thiết kế “ô ô, chuồng chuồng”, khó phân bố phòng.
Vợ chồng Tuyên Hồng mới cưới thì được bố mẹ cho một nửa căn hộ tầng 3, rộng 47m2 ở khu tập thể Núi Trúc, phần kia của vợ chồng cậu em trai. Nằm trong khu vực mấy khu nhà tập thể xuống cấp, nguy hiểm ở khu Giảng Võ nên khả năng sớm được cải tạo là rất lớn. Hi vọng được “tái định cư” ở đúng vị trí cũ sau khi khu nhà được xây lại thành chung cư hiện đại gần 20 tầng nên anh chị kiên quyết không nhượng lại nửa của mình cho người em trai đang trả giá 700 triệu đồng, đủ để đổi 2 mảnh đất ở ngoại thành.
Hơn nữa, càng những căn hộ ở khu vực được coi là cũ nát, xập xệ nhất thành phố (tập thể Văn Chương, Nguyễn Công Trứ, Ngọc Khánh, Thanh Xuân…) giá càng cao, càng khó mua vì nghe nói đã có tên trong lộ trình cải tạo, xây mới của thành phố cho đến năm 2010. Một chủ hộ ở B6 Thành Công đang rao bán căn hộ tầng 1, diện tích trong sổ đỏ chỉ hơn 50m2, diện tích thực gần 100m2, với giá trên 2,5 tỉ đồng, tức hơn 25 triệu đồng/m2, không kém bao nhiêu so với giá chung cư cao cấp ở những vị trí đắc địa khác như Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ…
Nhà B6 - khu tập thể 3 tầng ở ngõ Trại Găng, Bạch Mai, Hà Nội, diện tích mỗi căn hộ đơn chỉ 18m2, bếp và công trình phụ nằm ngoài nhà, thậm chí có hộ còn phải dùng khu vệ sinh công cộng. Gia đình bác Đỗ Văn Thanh với 6 khẩu đã sống mấy chục năm trong căn hộ bé con con, thấp sùm sụp như thế. Hai năm trước, bác cơi thêm cái “chuồng cọp” mái tôn rộng 9m2 bên cạnh khu bếp cho con trai cả lấy vợ.
Hiện đã có người trả giá căn hộ của bác 350 triệu đồng nhưng vợ con bác chưa đồng ý. Tất cả cũng chỉ vì lý do “cố ở để đợi được xây nhà mới”, đương nhiên đàng hoàng giữa trung tâm thành phố.
Dĩ nhiên, thời gian bám trụ chờ cải tạo chưa biết sẽ kéo dài tới khi nào.
Lộ trình… xa lắc
Sau 1 năm kể từ ngày tuyên bố động thổ, ngày 24/3 vừa qua, dãy nhà chung cư thuộc dạng cũ nát, nguy hiểm nhất Hà Nội - B14 Kim Liên mới chính thức khởi công việc “đập cũ, xây mới”. Chủ đầu tư là Công ty CP xây dựng Sông Hồng đã động thổ công trình “tái thiết” cùng lúc cả nhà B14 và B4 từ đầu tháng 7/2007. Nhưng đến nay cũng chỉ nhà B14 có thể khởi công. Nhà B4 hiện mới đạt 80% khối lượng GPMB nên lịch tái thiết phải lùi lại.
B14 sẽ được xây lại với thiết kế 2 tháp 17 tầng và 14 tầng. Khối nhà bao gồm các căn hộ có cơ cấu diện tích từ 53m2 trở lên đến các căn hộ cao cấp có diện tích trên 100m2.
Chủ đầu tư vẫn chưa có giá bán chính thức, nhưng qua nhiều trung tâm nhà đất, dự kiến giá gốc khoảng 14 triệu/m2, ngoài ra khách hàng phải trả tiền chênh lệch cho trung tâm từ 3 - 4 triệu đồng/m2. Như vậy tính theo giá của một số trung tâm nhà và đất thì giá chung cư Kim Liên sẽ khoảng 17 - 18 triệu/m2 và nhanh nhất phải 3 năm nữa mới có nhà ở.
Riêng khu B tập thể Kim Liên đã có 14 khu nhà 5 tầng, còn lại chủ trương sẽ cải tạo lại thành nhà 9-21 tầng và phương án tái định cư được thực hiện theo nguyên tắc ở tầng nào tái định cư đúng tầng đó, phần diện tích tăng thêm sẽ phải mua lại.
Công thức xã hội hóa việc cải tạo lại chính là điểm tạo ra mâu thuẫn, xây cao tầng sẽ cân đối được lợi ích của chủ đầu tư, mới mong kêu gọi được các doanh nghiệp tham gia nhưng đồng nghĩa với việc mật độ xây dựng tiếp tục tăng lên tại các khu vực vốn đã “bức bối” bậc nhất thành phố.
Tính sơ, Hà Nội có trên 30 khu tập thể, mỗi khu hàng chục dãy nhà với tổng diện tích sàn khoảng 1 triệu m2 với trên 30.000 hộ cần cấp cứu cải tạo, xây mới. Số nhà nguy hiểm, cũ nát cũng không thể đếm trên đầu ngón tay. Năm 2008 cũng là hạn định để nhiều dự án cải tạo chung cư cũ khởi công, kịp hoàn thành sơ bộ vào năm 2015 theo Nghị quyết của HĐND TP.
Kế hoạch những khu tập thể cũ sẽ cải tạo - KTT Văn Chương: rà soát, xác định nhu cầu tái định cư của người dân nhằm xác định chính thức nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch trong tháng 1; hoàn chỉnh quy hoạch để báo cáo Sở QHKT thẩm định, trình UBND TP phê duyệt trong tháng 5. - KTT Thanh Xuân Bắc: tháng 1 hoàn thành điều tra xã hội học; trình duyệt nhiệm vụ thiết kế trong tháng 2; tháng 5.2008 trình duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng. - KTT Giảng Võ: xác định chính thức nhiệm vụ thiết kế quy hoạch tháng 1; hoàn chỉnh quy hoạch cải tạo, xây dựng trình UBND TP phê duyệt tháng 3. - KTT Phương Mai: điều tra xã hội học, xác định nhu cầu tái định cư của người dân trong tháng 2; lập quy hoạch và trình duyệt trong tháng 5. - KTT Vĩnh Hồ: điều tra, xác định nhu cầu tái định cư trong tháng 3; trình duyệt quy hoạch chi tiết trong tháng 6. |
Phương Thảo