Đèn ưu tiên cho người đi bộ: Lợi bất cập hại
Tháng 7 tới, Sở giao thông công chính sẽ đưa 8 cụm đèn tín hiệu ưu tiên cho người đi bộ qua đường trong nội đô vào hoạt động. Đây là lần đầu tiên Hà Nội áp dụng hệ thống đèn tín hiệu này. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia giao thông, áp dụng loại đèn tín hiệu này dễ gây ùn tắc trên đường.
Theo Ban quản lý dự án giao thông đô thị Hà Nội, 8 điểm đặt đèn là trước cửa bưu điện thành phố, khách sạn Phú Gia, Tràng Tiền Plaza; chợ Đoàn Thị Điểm và ngõ Thịnh Hào (đoạn qua đường Tôn Đức Thắng); bến xe buýt Long Biên; vườn hoa Vạn Xuân; ngõ Vĩnh Hồ (đường Tây Sơn).
Hệ thống đèn này chỉ được lắp đặt ở những nơi không phải ngã tư. Khi khách bộ hành muốn qua đường sẽ phải ấn nút điều khiển tại cột đèn, đèn xanh bật lên từ 10 đến 20 giây để cho phép người đó băng qua đường, đèn đỏ sáng lên báo hiệu cho các xe đi trên đường sẽ phải dừng lại nhường đường cho người đi bộ. Tuỳ theo chiều rộng mặt đường từng vị trí mà trung tâm điều khiển sẽ đặt thời gian cho người đi bộ sang đường.
Theo ông Trịnh Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông đô thị, những điểm được chọn để lắp đèn là những khu vực có lưu lượng phương tiện lớn trong khi người đi bộ khá nhiều. Lắp đèn là để đảm bảo an toàn cho người đi bộ. "Đây là cụm đèn lần đầu tiên được áp dụng nên chúng tôi sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông hướng dẫn hoặc cưỡng chế người đi đường. Bởi khó khăn của dự án này là phải phụ thuộc ý thức của người tham gia giao thông", ông Lâm nói.
Thực tế, sẽ có nhiều tình huống xảy ra khi triển khai cụm đèn tín hiệu này. Ví như khi khách bộ hành qua đường liên tục, tốp người này qua rồi tốp khác lại bấm đèn, thì đèn ưu tiên sẽ phải hoạt động thường xuyên. Các phương tiện khác sẽ phải dừng lại, dễ gây ùn tắc. Đó là chưa kể đến trường hợp người đi xe cơ giới sẽ không muốn nhường đường khá lâu cho người đi bộ, gây tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, hoặc những đối tượng phá hoại hệ thống đèn.
Theo ông Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản), nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công loại đèn tín hiệu này do ý thức tham gia giao thông của họ tốt. Song ở Việt Nam thì khác, do vậy chưa nên lắp đặt đèn vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, nên lắp đèn theo chu kỳ, như sau mỗi lần sáng đèn, thời gian được bật lại đèn sẽ bị khống chế, để đảm bảo cho xe cơ giới đi qua.
Hoặc có thể áp dụng đèn ưu tiên cho người đi bộ theo chu kỳ cố định tại những địa điểm có lượng người qua lại lớn. Trong khoảng thời gian cố định, xe cơ giới phải tự động dừng để dành đường cho người đi bộ.
Ông Trần Đức Thắng, Đội trưởng Trung tâm điều khiển đèn giao tín hiệu giao thông, cũng cho rằng, tình trạng ùn tắc của các phương tiện cơ giới dễ xảy ra, khi ý thức của người dân còn hạn chế. "Làm sao có thể ngăn cấm được người dân đi qua bấm thử, khi mà cảnh sát giao thông không thể đứng đó suốt ngày. Theo tôi, chỉ nên lắp đặt ở một số nơi quanh hồ Hoàn Kiếm, vừa là đường một chiều, lại phục vụ cho nhiều người nước ngoài tham gia giao thông. Hoặc đặt tại một số trường học để phục vụ học sinh, sinh viên", ông Thắng nói.
Một số ý kiến khác cho rằng, Sở Giao thông công chính cần tiến hành khảo sát kỹ lưu lượng phương tiện đi lại và tiến hành lắp đặt thí điểm rồi nhân rộng.
Đề cập về hiệu quả của cụm đèn tín hiệu, ông Trịnh Xuân Lâm, Phó giám đốc Ban quản lý dự án giao thông đô thị, thừa nhận việc lắp đặt có thể có những phức tạp nảy sinh. Tuy nhiên ông cho rằng, để đánh giá được hiệu quả thì mà phải chờ... thực tế. "Các xe phải chờ 1-2 phút tại các điểm đặt đèn thì cũng như chờ đợi đèn đỏ tại các nút giao thông lớn. Nếu khi triển khai có vấn đề nảy sinh thì Ban quản lý dự án sẽ điều chỉnh", ông Lâm nói.
Theo VnExpress