1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến miền Tây, nơi những công trình thế kỷ kể chuyện khát vọng đồng bằng

Mai Huỳnh

(Dân trí) - Nơi mảnh đất trăm sông, ngàn rạch, những chiếc cầu đã nối nhịp bờ vui. Đâu chỉ là qua sông không còn phải "lụy đò", mà đó còn là "bờ vui" về khát vọng đất Chín Rồng cất cánh.

"Chúng ta tự hào hơn vì đây là cây cầu của Việt Nam, được làm từ nguồn vốn của đất nước, thiết kế, thi công, giám sát bằng chính những đơn vị trong nước", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu đầy xúc cảm trong ngày hợp long cầu Mỹ Thuận 2.

Đến miền Tây, nơi những công trình thế kỷ kể chuyện khát vọng đồng bằng - 1

Cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu dây văng thứ 2 ở vùng ĐBSCL do người Việt Nam thiết kế và thi công (Ảnh: Hải Long).

Ước mơ bao đời của người dân miền Tây thành hiện thực

Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ chính thức được thông xe, nối liền tuyến cao tốc rất dài từ Cần Thơ đi TPHCM.

Trong cuộc cà phê sớm ở một quán quen, mấy ông bạn già bảo nhau, cầu Mỹ Thuận 2 rồi thì đường cao tốc cũng gần xong, mai mốt sáng sớm lái xe đi thành phố uống cà phê chơi, xong rồi về cũng chưa qua buổi chiều. Nói thì nói vui, nhưng trong cái vui đó là niềm tự hào.

Mấy ngày này đi qua cầu Mỹ Thuận, nhìn cầu Mỹ Thuận 2 nối đôi bờ sông Tiền đang dần hoàn thiện, lòng khấp khởi lắm. Hai chiếc cầu song song, gánh đôi bờ Tiền Giang - Vĩnh Long. Song song nhưng lại có điểm gặp nhau, gặp nhau ở khát vọng đồng bằng, khát vọng miền Tây.

Ngày khởi công cầu Đại Ngãi, ông Hai Hải ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, cứ đi vô đi ra hoài. Ông nôn (nóng ruột - PV) không ngủ được.

Ông nói: "Tui đây già rồi, còn làm ăn, buôn bán gì đâu nữa mà ham. Tui ham là vì biết xứ mình sẽ đổi thay nhiều lắm khi cây cầu xây xong. Ráng tới đó coi sao, chắc là hùng vĩ dữ lắm".

Cũng như ông Hai Hải, bà con miệt ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng hay nói chuyện "phá thế độc đạo" của quốc lộ 1A khi cầu Đại Ngãi thông xe, rút ngắn khoảng cách đến 80km khi đi về TPHCM.

Rồi đây con tôm Bạc Liêu, con cua Cà Mau, củ hành tím Sóc Trăng sẽ bon bon ra thị trường lớn trên con đường rộng mở, liền mạch của miền Tây.

Qua sông đã bớt lụy phà

Coi truyền hình đưa tin rần rần về sự kiện khởi công cầu Đại Ngãi, hợp long cầu Mỹ Thuận 2, ông Út Nhỏ, cứ tủm tỉm cười hoài.

23 năm trước, ông Út cùng bạn là ông Ba Lầu đèo nhau trên chiếc xe Honda 67 đi từ nhà ở Hồng Dân, Bạc Liêu, tới Mỹ Thuận để hòa cùng dòng người - những người đầu tiên - đi qua cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên của nước ta.

Đến miền Tây, nơi những công trình thế kỷ kể chuyện khát vọng đồng bằng - 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn nút khởi công cầu Đại Ngãi nối Sóc Trăng - Trà Vinh (Ảnh: Nhật Bắc).

Đi rồi ông Ba Lầu chặc lưỡi: "Quá đã, có chết tui cũng vừa lòng, ông Út à!". Cảm giác lâng lâng, thêm sự bộc trực, bông đùa của ông lão miền Tây khiến ông nói lời thấy thương như vậy.

Rồi 10 năm sau đó, hai ông bạn già lại chở nhau, lần này là xe máy Suzuki đời mới của ông Út, đi coi cầu Cần Thơ khánh thành. Rộn ràng vẫn như cũ, háo hức vẫn như xưa, ông Ba Lầu chỉ ông Út coi: "Chỗ xa đằng nọ là khúc bến Bắc Cần Thơ cũ. Hồi trẻ, tôi có mấy năm ở gần đó".

Chữ cũ mà ông Ba nhấn mạnh đâu có bao xa, mới mấy ngày trước phà còn hú còi rời bến, nay nhường sứ mệnh chở khát vọng đồng bằng cho cầu Cần Thơ.

Ông Út Nhỏ cười  là vì cái câu mà hai ông bạn già nói: "Đi coi cầu cho đã con mắt, về chết cũng vui". Dễ dầu gì, vì còn có cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn... và bây giờ lại là cầu Đại Ngãi, cầu Mỹ Thuận 2...

Ông Út cười khà khà: "Hết chết rồi, mà cũng hết muốn chết rồi. Mong sống lâu lâu nữa đặng coi sự thay đổi của miền Tây mình. Êm lắm!".

"Êm lắm" trong sự chân chất rặt miền Tây của ông Út cũng là sự kỳ vọng của người đồng bằng về sự phát triển của quê hương trong tương lai, khi mà qua sông không còn phải lụy đò, khi những chiếc cầu đã nối nhịp bờ vui.

Đến miền Tây, nơi những công trình thế kỷ kể chuyện khát vọng đồng bằng - 3

Cầu Mỹ Thuận 2, nơi 5 lần Thủ tướng Phạm Minh Chính tới trực tiếp khảo sát hiện trường (Ảnh: Hải Long).

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xác định rõ: "Lấy "con người" làm trung tâm; coi tài nguyên nước là cốt lõi; quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực đảm bảo việc duy trì nguồn sống cho môi trường và người dân; chuyển đổi mô hình sinh kế tại các tiểu vùng theo hướng chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu".

Đồng thời, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; phát triển cụm ngành kinh tế nông nghiệp gắn kết với các khu vực đô thị hóa, công nghiệp hóa tạo ra sự phát triển đột phá.

Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL với TPHCM và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công.

Để làm được điều này, rõ ràng và cốt lõi, việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng có ý nghĩa chiến lược, nhất là phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế.

Theo mục tiêu được nêu trong quy hoạch, đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000km đường quốc lộ; 4 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

Dòng sông và những chiếc cầu đang chở những ước mơ lớn đó đến bến bờ hiện thực, chở ước mơ đổi đời của người đồng bằng ra biển lớn.

Người nhờ đất mà lớn, đất nhờ người có tên

Đến dự lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 cũng là lần thứ 5 Thủ tướng Phạm Minh Chính tới trực tiếp khảo sát hiện trường công trình này, động viên các cơ quan liên quan, đội ngũ cán bộ, công nhân thi công dự án.

Trong các lần đến, Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh đến việc "cảm ơn bà con đã nhường đất cho dự án". Điều đó cho thấy, công trình được sự đồng lòng, đồng thuận từ nhân dân và người đứng đầu Chính phủ cũng không quên nghĩa tình đó của bà con. Vậy mới rõ chân tình, người nhờ đất mà lớn, đất nhờ người có tên.

Đến miền Tây, nơi những công trình thế kỷ kể chuyện khát vọng đồng bằng - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo địa phương thực hiện nghi thức hợp long cầu Mỹ Thuận 2 (Ảnh: Hải Long).

Dọc dài châu thổ Cửu Long, đây dòng Tiền Giang, kia dòng Hậu Giang. Dòng Ba Thắc, Hàm Luông, Cổ Chiên năm tháng xuôi dòng. Dòng Năm Căn, Bảy Háp, Trèm Trẹm, Gành Hào, Chắc Băng cũng êm đêm con nước. Sóng Vàm Nao, nước Vàm Cỏ lại thương về những giề lục bình trôi líu ríu nơi sông Cái Lớn, Cái Bé. Những dòng sông mẹ vẫn nồng nàn chở phù sa vun bồi cho đất mẹ, dù đục dù trong, dù mặn hay ngọt.

Và nay trên những dòng sông, con kinh ấy, những chiếc cầu do thế hệ người Việt Nam dày công kiến tạo, xuất hiện ngày càng nhiều.

"Qua cầu ngả nón trông cầu", người miền Tây lại biết cúi đầu biết ơn bao thế hệ tiền nhân đã khai khẩn vùng đất, tạo ấp, dựng làng và bao thế hệ nối tiếp nhau, cùng nhau và vì nhau, vì một đồng bằng trù phú.

Người miền Tây vẫn hay nhắc lại chuyện hồi nẳm, chuyện qua sông thì phải lụy phà, có khi xe xếp hàng đến mấy cây số chờ sang sông. Rồi có cô bán bắp, có chị bán nem, em nhỏ bán bánh tráng, í ới mời mua. Hay là chuyện ngồi tàu cây từ miệt Thới Bình, Cà Mau lên Cần Thơ phải mất trọn một đêm đong đưa cùng sóng nước.

Nhắc để nhớ, để thương và để thấy sự phát triển của xứ sở mình, xứ sở của những dòng sông!