Đền Hùng vang vọng lời Người

Lời căn dặn của Bác khi về thăm Đền Hùng ngày 19/9/1954: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" càng được khẳng định trong những ngày qua, khi các tỉnh phía Bắc chịu sự tàn phá ghê gớm của cơn bão số 3.

Đương đầu với thiên tai, bão lụt là sự chung sức, đồng lòng, khẳng định rõ sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc.

Mệnh lệnh thiêng liêng

Một trong những lần về thăm Đền Hùng, ngày 19/9/1954, trước khi cùng Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô, tại sân Đền Giếng ngát xanh màu cổ tích, Người căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Đã 70 năm trôi qua, câu nói của Bác đã trở thành mệnh lệnh thiêng liêng nhắc nhở toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam giữ gìn vững chắc non sông gấm vóc, bảo vệ vẹn toàn độc lập, chủ quyền dân tộc.

Đền Hùng vang vọng lời Người - 1

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19/9/1954 tại Đền Hùng (ảnh tư liệu)

Cố Thiếu tướng Nguyễn Hiền, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 308 khi còn sống đã chia sẻ, ông vẫn nhớ như in hình ảnh "Bác ngồi trên cửa ngách bên phải Đền Giếng, đồng chí Thanh Quảng và đồng chí Song Hào ngồi trên bậc sát cạnh Bác, gần một trăm cán bộ, chiến sĩ ngồi xung quanh Bác trên thềm và khoảng sân. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong khi vào thành phố phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật, tôn trọng và giúp đỡ nhân dân; tránh sa ngã, cám dỗ trước những "viên đạn bọc đường".

Bác căn dặn và nhắc nhở bộ đội phải thường xuyên học tập, rèn luyện đạo đức, giữ nghiêm kỷ luật, thực hiện tốt chính sách dân vận, giữ vững lập trường giai cấp... Lần đầu tiên trong lịch sử, quy luật dựng nước và giữ nước được Người tổng kết trong câu nói bất hủ: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"!

Lời căn dặn của Bác mang hàm nghĩa to lớn "dựng nước phải đi đôi với giữ nước", đó cũng là tư tưởng xuyên suốt qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tinh thần đại đoàn kết cũng được thể hiện rất rõ trong lời dạy của Người, kết tinh ở câu "Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước". Lịch sử cũng như thực tế tình hình đất nước hiện nay cho thấy, toàn dân tộc Việt Nam đã giữ vững khối đại đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Tinh thần này càng rõ ràng hơn trong những ngày qua, khi các tỉnh, thành phía Bắc phải đối mặt với cơn bão số 3 và sức tàn phá ghê gớm của nó.

Đoàn kết là sức mạnh

Trong những ngày cơn bão số 3 đi qua, giữa những khó khăn, mất mát, đau thương, lời Bác dạy vẫn vang vọng, dựng nước và giữ nước, đoàn kết, đại đoàn kết. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thiên tai, bao gồm lũ lụt và hạn hán, cũng là kẻ thù của đất nước, của Nhân dân vì: "Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm" (trích Hồ Chí Minh toàn tập).

Phòng chống thiên tai cần sự góp sức của toàn dân, sự quan tâm của toàn xã hội, vì vậy, một trong những nhân tố quan trọng, đó là tinh thần đoàn kết, hiệp đồng giữa các lực lượng, để nhất trí, quyết tâm vượt mọi khó khăn, giúp đỡ nhau chiến thắng thiên tai. Trong cơn bão dữ, tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", sự chung tay, đồng lòng của các lực lượng, mọi tầng lớp Nhân dân đã góp phần giảm thiểu phần nào những hậu quả của cơn bão.

Cùng với các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân cũng tích cực tham gia vào công tác cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng sẻ chia với người dân ở vùng mưa lũ. Các tổ chức, đoàn, hội, các cá nhân tại nhiều địa phương đã cung cấp nhu yếu phẩm, tìm kiếm cứu nạn... Không ai bảo ai nhưng mỗi người một tay, góp sức người, sức của để chia sẻ với đồng bào gặp nạn.

Hình ảnh những người dân thức cả đêm gói bánh chưng, gói những thực phẩm thiết yếu vào từng túi nhỏ để gửi đến người dân vùng lũ, những người không quản đường sá xa xôi từ miền Trung, miền Nam vượt hàng trăm cây số để đến những nơi bị ảnh hưởng bởi mưa bão là những nghĩa cử ấm áp, là nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Đền Hùng vang vọng lời Người - 2

Tỉnh Đoàn đã huy động hơn 300 tình nguyện viên tham gia dọn dẹp vệ sinh tại xã Đan Thượng, Hạ Hòa.

Hình ảnh những chiếc xe ô tô cố tình đi chậm lại, hoặc chủ động đi sát những người đi xe máy, xe đạp,... để che chắn mưa gió cho họ trong cơn bão lớn. Hình ảnh những người chiến sĩ trong bộ quân phục ướt sũng, lấm lem bùn đất với miếng bánh mì cắn vội, với những phút ngủ tạm để hồi sức... đều khiến mỗi chúng ta xúc động, nghẹn ngào.

Càng trong lúc khó khăn, hoạn nạn thì tinh thần đoàn kết, những nghĩa cử cao đẹp của Nhân dân ta lại càng phát huy mạnh mẽ, góp phần tiếp thêm nghị lực, sức mạnh, làm ấm lòng bà con vượt qua bão lũ. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành ngày 14/9 thì trong cơn hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, bản lĩnh sức mạnh của dân tộc đã góp phần giảm thiểu thiệt hại của cơn bão số 3.

Thực tiễn cho thấy, chống lũ đi đôi với khôi phục sản xuất là chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Nước ta đã từng trải qua nhiều thiên tai và vượt qua thiên tai. Sức mạnh của sự đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc tiếp tục được phát huy trong việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 lần này. Chạy đua với thời gian để cứu các nạn nhân, chạy đua với thời gian để tái thiết cuộc sống của nhân dân, là việc Đảng, Nhà nước, các địa phương cùng cộng đồng đã và đang dốc sức thực hiện lúc này, nhằm làm vơi đi mất mát, đau thương, nhanh chóng ổn định cuộc sống của Nhân dân.

Về thăm Đền Hùng những ngày tháng 9 này, dừng chân nơi Đền Giếng hay dưới Bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn Quân Tiên Phong, mỗi người dân Việt Nam như còn nghe thấy lời Người ấm áp từ mùa thu của 70 năm trước.

Ngọc Hà

Theo baophutho.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm