Đền bù người bị hại bằng cách cho làm... thương binh
Năm 1984, ông Đường Xuân Trường không may bị một tổ Kiểm soát quân sự thuộc Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 123) bắn trúng khi đang ngồi trên ôtô. Ông liền được Trung đoàn 123 hợp thức hóa là thương binh.
Vụ “thương binh rởm” ông Đường Xuân Trường, trú quán tại thôn Nà Cưởm, xã Tân Lang, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) được phát giác bởi nhân dân trong xã Tân Lang từ năm 1995.
Ngày 10/1/2000, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Lạng Sơn đã có kết luận ông Trường được hưởng chính sách thương binh là không đúng. Tuy thế, đến nay ông Trường vẫn được hưởng chế độ.
Theo xác minh của Thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Lạng Sơn thì năm 1984 ông Đường Xuân Trường có quyết định nhập ngũ. Trước khi lên đường khoảng ba ngày, ông có việc riêng đi xe ca từ Văn Lãng về thị xã (nay là thành phố) Lạng Sơn.
Hôm đó có một tổ Kiểm soát quân sự thuộc Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 123) đang làm nhiệm vụ tại Nà Kéo, xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) vẫy xe cho chiến sĩ về phép nhưng xe không dừng nên có người đã dùng súng bắn vào xe. Không may, ông Trường ngồi ở hàng ghế thứ ba, bị viên đạn găm vào xương sống.
Sau khi sự việc xảy ra, Trung đoàn 123 thấy hoàn cảnh gia đình ông Trường quá khó khăn nên chu cấp toàn bộ viện phí và các khoản quân tư trang trong thời gian ông nằm viện.
Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp “thương binh rởm”, “liệt sĩ vô công” bị phát giác, tố cáo ở Lạng Sơn. Nhưng do tính chất phức tạp, nhạy cảm nên Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã có tờ trình xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng sau đó không nhận được hồi âm nên đến nay những đơn thư, tố cáo này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
(Lược trích Văn bản số 118/CV-LĐTBXH gửi Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn). |
Tiếp đó, Trung đoàn đã hoàn tất các thủ tục để ông Trường được mọi quyền lợi, chính sách như một quân nhân bị thương trong khi đang thi hành công vụ với tỷ lệ thương tật 95%, hạng 1/4 loại B, hưởng trợ cấp từ tháng 10/1988.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn đã chi trả tiền cho ông Trường đến hết tháng 12/1995, sau đó làm các giấy tờ chuyển Sở Lao động - Thương binh & Xã hội để ông Trường nhập hồ sơ, được cấp giấy chứng nhận thương binh và truy lĩnh trợ cấp từ tháng 10/1995 cho đến nay.
Trước sự phản ứng của nhân dân và cấp ủy, chính quyền xã Tân Lạng, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã vào cuộc, làm việc với những người trước đây quản lý cũng như trực tiếp chứng kiến, giải quyết vụ việc bị thương cho ông Trường. Sau đó, Thanh tra đã kiến nghị phải thu hồi giấy chứng nhận bị thương số 10 ngày 15/3/1993 do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cấp, đồng thời cắt trợ cấp chế độ thương binh mà bấy lâu nay ông Trường đã hưởng.
Tuy nhiên, đến nay sự việc đã trải qua hơn chục năm trời, các ngành chức năng đã có nhiều văn bản đề nghị song vụ “thương binh rởm” không những không được giải quyết dứt điểm mà còn có những “biến tấu” rất phi lý.
Ngày 21/11, trao đổi với phóng viên, ông Lộc Minh Khoái, Chủ tịch UBND xã Tân Lang bức xúc cho biết: “Trước sự phản ứng của nhân dân và các tổ chức đoàn thể từ xã đến huyện, ông Đường Xuân Trường không được công nhận là thương binh nữa. Nhưng, ông ta vẫn được hưởng tiền trợ cấp chế độ trên 2 triệu đồng/tháng. Bây giờ tiền ông ta lĩnh là “tai nạn lao động”. Bất bình lắm, nhưng chẳng hiểu vì sao lại như thế” (?!).
Theo Lê Thanh Hiền
Tiền Phong