1. Dòng sự kiện:
  2. Hà Nội cấm xe máy chạy xăng
  3. Đại hội Đảng bộ các cấp

Đêm không ngủ vì cảnh báo sóng thần

(Dân trí) - Rạng sáng nay 27/12, nhiều người dân vùng ven biển thành phố Đà Nẵng mới lục đục trở về nhà. Họ đã có một đêm trắng từ bản tin động đất tại Đài Loan và <a href="http://www16.dantri.com.vn/Sukien/2006/12/159627.vip">nguy cơ sóng thần</a> ảnh hưởng vùng biển Việt Nam từ Quảng Bình đến Cà Mau phát sóng lúc 19h34 tối qua.

Khi Trung tâm khí tượng quốc gia phát đi bản tin cảnh báo, cả Đà Nẵng hoảng loạn náo động, các khu vực dân cư ven biển và người dân chủ động sơ tán ngay khi có lệnh khẩn được phát đi liên tục.

 

Trước báo động cấp bách, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh và các lãnh đạo đã trực tiếp xuống chỉ đạo sơ tán.

 

Ngay khi nhận được tin, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã tới ngay Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương để nghe các nhà khoa học Việt Nam thông báo những diễn biến tiếp theo của đợt sóng thần.

 

23 giờ, các nhà khoa học đã thông báo tin vui là sóng thần không ảnh hưởng đến Việt Nam. Phó thủ tướng nhấn mạnh, dù sóng thần không xảy ra nhưng đây cũng là đợt tập dượt cần thiết để phòng chống thảm họa, thiên tai.

22h30 đêm 26/12, đường phố dày kín xe máy, taxi lưu thông liên tục từ các phường, quận ven biển về vùng cao. Người già, trẻ em được sơ tán cấp kỳ.

 

Tại khu biển Non Nước, dân cư ùn lên chùa trên núi Ngũ Hành Sơn ngay sát đó. Các phường Thọ Quang, Mân Thái... của quận Sơn Trà, dân di dời cũng tập trung đông nghẹt ngay trụ sở UBND phường.

 

Các nhà dân kiên cố được huy động mở cửa cho người dân sơ tán trú ngụ qua đêm. Những nhà “ngủ sớm” cũng được đánh động, lấn cấn thu dọn những vật dụng cần thiết. Các cây xăng đông nghịt người...

 

Đêm không ngủ vì cảnh báo sóng thần - 1
 22h đêm, người dân tập trung trước trụ sở UBND phường Thọ Quang, Sơn Trà chờ lệnh sơ tán.

 

Tại các tỉnh ven biển trên cả nước, người dân cũng một phen hoảng loạn cùng cảnh với người Đà Nẵng. Nguy cơ sóng thần đêm 26/12 không còn đe doạ Việt Nam nhưng cả nước đã có một đợt tập dượt sơ tán khi có báo động nguy cơ sóng thần và động đất sinh động. 

 

Tại Quảng Bình, 22h30, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã phát lệnh trực chiến cho toàn bộ lực lượng bộ đội biên phòng ở tất cả cửa sông, cửa biển xung yếu nhằm đối phó với khả năng sóng thần xảy ra. Lãnh đạo các địa phương phải túc trực sẵn sàng di dời 2.000 hộ dân với hơn 10.000 người vào nơi an toàn, trong đó đặt tình trạng di dời khẩn cấp đối với 400 người ở Quảng Trạch, Bố Trạch. Toàn bộ vùng có tàu thuyền neo đậu được thông báo tình hình sóng thần.

 

Tại Huế, hơn 15.000 dân vùng biển Phú Vang, Phú Lộc... đã rục rịch sơ tán. Tại Đà Nẵng, ngay trong đêm, nhiều hộ dân sống dọc bờ biển thuộc các quận Thanh Khê, quận Liên Chiểu cùng hàng nghìn hộ dân khác của hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn cũng nháo nhác trước tin sóng thần.

 

Tại khu vực Nam Ô, Xuân Thiều - nơi cách đây gần hai năm người dân tại khu vực này đã phải bồng bế nhau di dời lên đèo Hải Vân vì có tin sóng thần - nay cũng vội vàng di dời. Tại phường Thanh Khê Tây, chính quyền địa phương tính đến phương án sơ tán dân lên cao, nhiều hộ dân đã gọi taxi đến tận nhà để sơ tán.

 

Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh đã họp khẩn với các ban ngành liên quan triển khai các biện pháp trong trường hợp sóng thần xảy ra. 21h, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu tất cả các đơn vị di dời dân để tránh khả năng sóng thần. Đến 23h, chính quyền tỉnh đã ra lệnh dừng việc di dời dân.

 

Lệnh di dời dân do Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Xuân Hòa, ký được thông báo vào khoảng gần 23h. Ngay sau đó, việc di dân được tiến hành ở các xã ven biển từ Phước Diêm đến Vĩnh Hải (với khoảng 70.000-80.000 dân). Ở một số vùng, những người dân đã bắt đầu rút sâu theo hướng vào đất liền khoảng 300m. Việc di dời diễn ra trong trật tự và người dân phần nào yên tâm khi các lực lượng công an, dân quân triển khai ngay việc bảo vệ nhà cửa, tài sản của họ.

 

Khoảng 22h, nhận được tin thông báo cảnh báo sóng thần, người dân thành phố Vũng Tàu đã rơi vào tình trạng nhốn nháo. Nhiều người từ phường 1 đến phường 12 đã rời nhà. Nhiều xe đã chở người dân Vũng Tàu lên TPHCM, những dòng người đen kịt đi trên đường Bình Giã. Nhiều người đã lên đến Đồng Nai. Đến 23h30, người dân mới bắt đầu quay trở về nhà khi có thông tin sóng thần không xảy ra.

 

Tại Cà Mau, nhiều người dân các vùng ven biển như Sông Đốc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm... đã thuê canô lên TP Cà Mau để tránh sóng thần. Tuy nhiên, sau khi truyền hình thông báo không còn ảnh hưởng của sóng thần, người dân đã bình tĩnh trở lại.

 

Dù nhận được lệnh chuẩn bị di dời nhưng nhiều người dân Kiên Giang vẫn bình tĩnh chờ đợi. Khoảng 23h45, ông Phạm Thành Tươi - Phó chủ tịch UBND tỉnh - đã gọi điện cho các địa phương để rút lại lệnh di dời dân. Tại Tiền Giang, không khí hoảng loạn đã diễn ra ở các xã vùng biển Tân Thành, người dân dùng tất cả các phương tiện để chạy về Gò Công, một số hộ dân xin được tạm trú tại các nhà dân ở xa vùng biển.

 

Đến 0g30 sáng 27/12, một số người dân ở các địa phương vẫn chưa trở về nhà. (Theo Tuổi Trẻ, Thanh Niên)

 

Khánh Hiền