1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Đề xuất phụ cấp “dưỡng liêm” cho cán bộ tư pháp

(Dân trí) - Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - đề xuất Nhà nước phải nghiên cứu để có những khoản phụ cấp cho cán bộ công tác ở các cơ quan tư pháp và coi đó là khoản tiền “dưỡng liêm”, chống tiêu cực.

Ngày 28/1, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức hội thảo khu vực phía Bắc về thực trạng, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Bà Lê Thị Thu Ba - Phó Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương - cho biết tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp đã trở thành vấn đề nổi cộm trong nhiều năm gần đây và gây ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Chính vì thế Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã “đặt hàng” các cơ quan tư pháp (TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam) xây dựng các đề án về thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của ngành mình.

Đề xuất phụ cấp “dưỡng liêm” cho cán bộ tư pháp
Theo đánh giá, tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp đã trở thành vấn đề nổi cộm trong những năm gần đây.

Theo ông Trần Văn Tú - nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao - Bộ luật Hình sự hiện hành đang tồn tại nhiều khoảng cách quá rộng đã tạo điều kiện cho thẩm phán có quyền năng “tùy nghi”, dễ trở thành mầm mống nảy sinh tiêu cực.

“Cùng mắc một loại tội nhưng có người bị xử 5 năm tù, có người lại bị xử tới tận 10 năm tù. Tôi đề nghị phải thu hẹp khoảng cách “tùy nghi” này lại, bởi cứ để khoảng cách rộng như thế dễ khiến thẩm phán dùng để “ban phát”, tiêu cực”- ông Tú bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Tú đề xuất phải có những quy định cấm thẩm phán, thư ký tòa án được tiếp xúc với đương sự ở trụ sở, hàng quán hoặc ở nhà riêng.

Khẳng định việc chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp hiện nay là cần thiết nhưng ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - đề nghị làm rõ trọng tâm của vấn đề, bởi hoạt động tư pháp rất rộng.

“Thực tế đã cho thấy có những cơ quan cấp ủy không phải là cơ quan tư pháp nhưng vẫn tác động được tới cơ quan tư pháp. Vậy thì việc này phải xử lý thế nào? Tôi cho rằng việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là cần thiết, nhưng chỉ nên tập trung vào những vụ việc phức tạp, ảnh hưởng trên diện rộng thôi, chứ không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”- ông Khánh nêu vấn đề.

Đặc biệt, ông Khánh đề xuất phải có những chính sách quan tâm hơn tới việc đảm bảo đời sống cho những cán bộ làm việc tại các cơ quan tư pháp. “Khó khăn trong cuộc sống đã khiến người ta tiêu cực. Chính vì thế Nhà nước phải nghiên cứu để có những khoản phụ cấp cho họ. Lương có thể thực hiện theo ngạch, bậc chung nhưng phụ cấp thì phải riêng và coi đó là khoản tiền dưỡng liêm”- ông Khánh đề xuất.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ đề nghị sớm khoanh vùng địa chỉ dễ xảy ra tiêu cực để có biện pháp “điều trị”. “Phải chống được tiêu cực ngay trong cơ quan mình công tác thì mới có niềm tin đi chống ở nơi khác được”- ông Tỵ nêu quan điểm.

Thế Kha - T.P