Đề xuất miễn nhiệm lãnh đạo tín nhiệm thấp mà không cần cho phép từ chức

Hoài Thu

(Dân trí) - Qua thảo luận tổ, một số ĐBQH đề nghị trường hợp cán bộ tín nhiệm thấp sẽ trình bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần qua bước cho phép từ chức, vì không xác định được thời gian xin từ chức là bao lâu.

Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND  bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Phiên thảo luận về nội dung này diễn ra chiều 30/5.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết một số ý kiến đề nghị bổ sung một số đối tượng vào diện lấy phiếu tín nhiệm như: Thẩm phán TAND Tối cao, Phó trưởng ban của HĐND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.

Đề xuất miễn nhiệm lãnh đạo tín nhiệm thấp mà không cần cho phép từ chức - 1

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc lấy phiếu tín nhiệm với người đã bị kỷ luật Đảng, vì nếu trường hợp này đạt tín nhiệm cao sẽ là không hợp lý.

Về hệ quả, một số đại biểu Quốc hội cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm hay miễn nhiệm thực chất có chung một mục đích là xác định mức độ tín nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Vì vậy, để tiết kiệm thời gian và tránh khác biệt so với quốc tế, đề nghị chỉ quy định một bước là xác định tín nhiệm và không tín nhiệm, trong đó quy định cụ thể tỷ lệ tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp và không tín nhiệm.

Có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định trường hợp lấy phiếu tín nhiệm mà có từ 50% số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp trở lên thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo hướng giảm tỷ lệ này thành 30% hoặc 35% để có cơ chế giám sát tốt hơn.

Đáng chú ý, một số đại biểu Quốc hội đề nghị trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì sẽ trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần qua bước cho phép từ chức, vì không xác định được cụ thể thời gian xin từ chức là bao lâu, gây khó khăn cho việc thực hiện các quy trình tiếp theo.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh giải thích rõ lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là 2 nấc khác nhau. Trong đó, bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm khi người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 50% đến dưới 2/3 đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp". "Bỏ phiếu tín nhiệm bản chất là miễn nhiệm", bà Thanh giải thích.

Dự thảo nghị quyết trình ra Quốc hội lần này bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên. Khi thảo luận tổ, nội dung này cũng có 2 luồng ý kiến khác nhau.

Nhóm ý kiến thứ nhất tán thành quy định này nhưng đề nghị xác định rõ bệnh hiểm nghèo là bệnh gì và cần xác nhận của cơ sở y tế cấp nào. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ không lấy phiếu tín nhiệm với người không điều hành công tác từ 6 tháng liên tục để bảo đảm chặt chẽ.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc không lấy phiếu tín nhiệm đối với người mắc bệnh hiểm nghèo đang phải chữa bệnh và không trực tiếp đảm nhiệm chức vụ trong thời gian từ 6 tháng trở lên là không phù hợp. Bởi lẽ những yếu tố này đã cho thấy cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn về sức khỏe đối với cán bộ lãnh đạo.

Trong trường hợp này, cơ quan quản lý cán bộ hoặc người đã trình Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn cần làm thủ tục đề nghị Quốc hội, HĐND miễn nhiệm, thay thế người mới. Cũng có ý kiến cho rằng, trong trường hợp này thì cần tham khảo ý kiến của người giữ chức vụ, nếu người đó đồng ý vẫn tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Liên quan đến thời hạn và thời điểm, một số vị đề nghị Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong mỗi nhiệm kỳ.

Theo chương trình nghị sự, chiều 9/6 Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND  bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).