1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất lập dự án đầu tư 11 công trình mở rộng Quốc lộ 1

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lập Dự án đầu tư 11 công trình mở rộng Quốc lộ 1 theo hình thức BOT với tổng chi phí ước tính khoảng 89.000 tỷ đồng.

Đề xuất lập dự án đầu tư 11 công trình mở rộng Quốc lộ 1
Quốc lộ 1 sẽ được mở rộng từ Hà Nội đến Cần Thơ (ảnh minh họa: Internet)
 
Các đoạn lập dự án trên Quốc lộ 1 mở rộng gồm: Vũng Áng - Bắc TP. Đồng Hới; Bắc TP. Đồng Hới - cuối tỉnh Quảng Bình; đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Trị; đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế; đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam; đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi; đoạn đầu tỉnh Bình Định đến km1195; đoạn từ km 1195 - Km1265 nối tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên; đoạn từ km1265 đến hầm Đèo Cả, tỉnh Phú Yên; đoạn từ Đèo Cả đến km1445 tỉnh Khánh Hòa; đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Thuận.

Đây là các dự án thành phần của Dự án mở rộng Quốc lộ 1 có chiều dài 1.057 km, tổng chi phí ước khoảng 89.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam làm tổng B lập dự án đầu tư. Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương đầu tư mở rộng quốc lộ 1, sớm hoàn thành toàn tuyến từ Hà Nội đến Cần Thơ vào cuối năm 2016.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, quy mô toàn tuyến từ Hà Nội đến Cần Thơ gồm 4 làn cho xe cơ giới, 2 làn cho xe máy và có dải phân cách cứng ở giữa; riêng các đoạn đã mở rộng, một số đoạn qua đô thị đã có quy mô 4 làn cho xe cơ giới hoặc tuyến tránh sẽ xem xét ở bước sau. Thủ tướng đồng ý giao Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải áp dụng cơ chế chỉ định thầu nhà đầu tư, nhà thầu theo đơn giá quy định của Nhà nước, có tiết kiệm 5% giá dự toán.

Bộ GTVT đã đưa ra 2 phương án mở rộng quốc lộ 1. Trong đó, phương án 1 là chỉ mở rộng những đoạn quốc lộ đã mãn tải. Còn phương án 2 là từ nay đến năm 2015 mở rộng toàn bộ quốc lộ 1 từ Hà Nội đến TPHCM và TPHCM - Phụng Hiệp với số vốn đầu tư lên tới 103.000 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, thống nhất và ban hành mức thu phí sử dụng cầu đường bộ hợp lý để đảm bảo thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nguồn vốn cho các dự án cụ thể. Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải sớm triển khai lập các dự án đầu tư để kêu gọi đầu tư.

Để huy động nguồn vốn, Bộ GTVT đã chỉ đạo lập đề án phát hành công trái cho giao thông mà trước hết là phục vụ mở rộng quốc lộ 1. Ngoài ra, có thể triển khai các giải pháp như: thu hút vốn ngoài ngân sách bằng các hình thức BOT, BT, BTO, PPP, đẩy mạnh công tác thu phí, đẩy các trạm thu phí BOT vào đúng tuyến để các trạm trên quốc lộ thu phí lấy vốn mở rộng Quốc lộ 1.

Quỳnh Anh