1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đề xuất điều chỉnh mức sinh hoạt phí của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao đề xuất mức sinh hoạt phí cơ sở áp dụng cho tất cả cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, nâng lên 1.500 USD/người/tháng.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài (CQVNONN) đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Chế độ đãi ngộ vẫn ở mức thấp, đời sống đang gặp nhiều khó khăn

Báo cáo của Bộ Ngoại giao (cơ quan soạn thảo) cho thấy, Việt Nam hiện có 1.303 cán bộ được 19 bộ, ban, ngành, cơ quan cử làm việc theo chế độ nhiệm kỳ tại các CQVNONN.

Mặc dù đã được cải thiện nhưng chế độ đãi ngộ dành cho thành viên CQVNONN vẫn ở mức thấp, đời sống của họ từ năm 2019 đến nay gặp rất nhiều khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Mức sinh hoạt phí chưa được điều chỉnh kịp thời theo mức tăng giá cả tại các địa bàn. Trong khi đó, việc thay đổi trong chính sách thị thực cho người nước ngoài dẫn đến nguồn phí hỗ trợ cán bộ tại CQVNONN không còn.

Đề xuất điều chỉnh mức sinh hoạt phí của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài - 1

Trụ sở Bộ Ngoại giao (Ảnh: Tố Linh).

Thành viên CQVNONN không còn được bổ sung thu nhập theo Nghị định 117. Trước năm 2019, họ được nhận trung bình 270 USD/tháng, trích từ nguồn thu ngân sách đối với phí lãnh sự, chủ yếu là phí thị thực nộp trực tiếp tại cơ quan đại diện. Từ tháng 7/2020, mức hỗ trợ này không còn trên thực tế do Covid-19, tác động phụ của quy định mới về xuất nhập cảnh (khách quốc tế trực tiếp nộp toàn bộ phí thị thực điện tử cho cơ quan chức năng trong nước) và dự kiến sẽ không còn theo kế hoạch xóa bỏ cơ chế đặc thù khi thực hiện cải cách tiền lương.

"Chế độ hỗ trợ tài chính cho việc học tập đối với con chưa thành niên của cán bộ chưa được đảm bảo", Bộ Ngoại giao nhận định và dẫn chứng phần lớn (82/94) địa bàn có cơ quan đại diện Việt Nam đóng trụ sở không sử dụng ngôn ngữ thông dụng là Tiếng Anh.

Các trường quốc tế sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy có học phí rất cao, trung bình 25.000 USD/năm. Do đó, mức hỗ trợ học phí hiện nay 325 USD/tháng chỉ đáp ứng tối đa 15% nhu cầu học tập của các cháu.

Đa số con đi theo thành viên CQVNONN phải học tại trường công dạy bằng tiếng địa phương, chấp nhận nguy cơ khó hòa nhập trường lớp khi quay trở về Việt Nam sau nhiệm kỳ của bố mẹ.

Trong khi hầu hết các nước khác đều có quy định thanh toán 50-100% học phí tại các trường quốc tế nhằm bảo đảm việc học tập không gián đoạn của các cháu tối thiểu đến khi tròn 18 tuổi; một số nước có thêm chế độ trợ cấp nuôi con.

Chế độ bảo hiểm khám, chữa bệnh cũng chưa được đảm bảo. Do định mức mua gói bảo hiểm y tế dành cho thành viên CQVNONN và phu nhân, phu quân chỉ 500 USD/người/năm nên Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt chỉ có thể thanh toán ở hạn mức thấp. Bộ Ngoại giao cho biết, đa số cán bộ bị bệnh hiểm nghèo hoặc phải phẫu thuật đều phải về nước điều trị.

Mức hỗ trợ mua bảo hiểm dành cho con dưới 18 tuổi của cán bộ ở mức rất thấp, 250 USD/năm, không đủ để chi trả các chi phí khám chữa bệnh, đặc biệt khi trẻ em hay mắc các bệnh thông thường và có nhu cầu khám chữa cao hơn.

Cơ quan soạn thảo nêu thực tế về cán bộ ngoại giao bậc trung đi công tác nhiệm kỳ tại địa bàn hạng trung bình thì cán bộ Việt Nam nhận 1.549 USD/tháng, trong khi cán bộ tương đương của Philippine (GDP bình quân đầu người bằng 87% của Việt Nam) nhận 4.300 USD/tháng, cán bộ Campuchia (GDP bình quân đầu người bằng 42% của Việt Nam) nhận 2.100 USD/tháng.

Các nước cho phép cơ quan đại diện của họ thuê nhiều nhân viên bản địa hỗ trợ nghiệp vụ văn phòng, quản trị, dịch thuật, an ninh, di chuyển… để giảm áp lực, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tập trung tối đa cho công tác chuyên môn. Còn cơ quan đại diện Việt Nam (tại hầu hết địa bàn) hầu như không thuê người bản xứ vì kinh phí hạn hẹp, phải đảm nhận toàn bộ các nghiệp vụ đó bên cạnh công tác chuyên môn.

Bộ Ngoại giao nhận định, những bất cập đó đã tạo ra nhiều áp lực, ảnh hưởng tiêu cực đối với cán bộ Việt Nam ở nước ngoài và hoạt động của các CQVNONN.

Tại các địa bàn, đặc biệt những nơi Việt Nam đặt nhiều cơ quan, chi phí sinh hoạt đắt đỏ và đang trong đà tăng như Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Châu Úc,… tổng thu nhập của thành viên CQVNONN và phu nhân/phu quân chỉ đáp ứng mức dưới trung bình các nhu cầu mua thực phẩm, đồ ăn sinh hoạt cá nhân, đi lại, khám chữa bệnh,… của gia đình.

"Nhiều trường hợp bố hoặc mẹ phải ở lại Việt Nam để chăm sóc con đang độ tuổi đi học, gia đình phải chia tách, ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm, quan hệ gia đình", Bộ Ngoại giao nêu thực tế.

"Nhiệm vụ hết sức cấp thiết"

Để giải quyết bất cập đó, Bộ Ngoại giao đề xuất sửa đổi một số điều tại Nghị định 08/2019 về một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài với 2 nội dung chính:

Thứ nhất, mức sinh hoạt phí cơ sở áp dụng cho tất cả CQVNONN là 1.500 USD/người/tháng.

Thứ hai, con chưa thành niên đi theo thành viên CQVNONN được hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài bằng mức mua bảo hiểm khám, chữa bệnh ở nước ngoài dành cho thành viên CQVNONN

"Việc sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08 nhằm giải quyết những khó khăn vướng mắc nêu trên, duy trì mức sống cơ bản cho cán bộ và gia đình, vừa đảm bảo tư thế đối ngoại của cán bộ, hình ảnh, an ninh của cơ quan đại diện và uy tín, vị thế của đất nước là nhiệm vụ hết sức cấp thiết", Bộ Ngoại giao nêu quan điểm.