1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề xuất CSGT không bắt buộc phải cảm ơn sau khi kiểm soát giao thông

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Dự thảo mới của Bộ Công an không bắt buộc sau khi kiểm soát giao thông xong, CSGT phải nói thêm: "Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng CSGT để bảo đảm trật tự ATGT".

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong vòng 2 tháng.

Theo dự thảo, CSGT khi thực hiện TTKS được dừng các phương tiện tham gia giao thông; Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của tài xế và của phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát.

CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ.

Đề xuất CSGT không bắt buộc phải cảm ơn sau khi kiểm soát giao thông - 1

Dự thảo Thông tư này áp dụng đối với: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ; Công an các đơn vị, địa phương; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Ảnh: Bộ Công an).

Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ TTKS được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định, gồm: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn đánh dấu sơn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, áo giáp, khóa số 8.

Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông (TNGT) hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo thông tư quy định, CSGT thực hiện nhiệm vụ TTKS theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch TTKS, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

Từ tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Khác với Thông tư 65/2020/TT-BCA đang được áp dụng, ở dự thảo này, Bộ Công an đề xuất một số thay đổi quy trình kiểm soát người và phương tiện giao thông.

Theo đó, sau khi thông báo và đề nghị người điều khiển phương tiện giao thông thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, xuống phương tiện và xuất trình các giấy tờ có liên quan theo quy định, CSGT thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân (trừ trường hợp biết người đó thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm, phạm tội quả tang, đang có lệnh truy nã, có hành vi thiếu văn hóa, cản trở, chống đối việc kiểm tra, kiểm soát).

So với Thông tư 65 trước đây, thì quy định của dự thảo đã lược bỏ phần yêu cầu CSGT phải thực hiện chào bằng lời nói: "Chào ông, bà, anh, chị… Yêu cầu ông, bà, anh, chị... cho chúng tôi kiểm soát các giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện giao thông".

Dự thảo Thông tư cũng quy định, sau khi kiểm soát xong, cán bộ CSGT báo cáo Tổ trưởng về kết quả kiểm soát, thông báo cho người điều khiển phương tiện giao thông, những người trên phương tiện giao thông biết kết quả kiểm soát, hành vi vi phạm (nếu có), biện pháp xử lý.

Đây cũng là điểm khác Thông tư 65 bởi Thông tư 65 quy định, khi kiểm soát giao thông xong, CSGT phải nói thêm: "Cảm ơn ông, bà, anh, chị,… đã hợp tác với lực lượng CSGT để bảo đảm trật tự ATGT".

Theo dự thảo Thông tư, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt của cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính thực hiện (Thông tư 65 là 5 ngày)

Quá thời hạn 20 ngày (Thông tư 65 là 15 ngày) kể từ ngày gửi thông báo vi phạm, chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính không đến trụ sở cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm để giải quyết vụ việc hoặc cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm chưa nhận được thông báo kết quả giải quyết, xử lý vụ việc của công an cấp xã, công an cấp huyện thì vi phạm sẽ được cập nhật lên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT và gửi cho cơ quan đăng kiểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm