Đề xuất bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng.

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng.

Theo dự thảo đề cương, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện các quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành.

Trong đó, nguyên tắc xác định các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ sẽ được bổ sung tại các luật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất với các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ tại Luật Tổ chức Chính phủ.

Luật Tổ chức Chính phủ sẽ được bổ sung các nguyên tắc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực, bảo đảm thực hiện mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đề xuất bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Phạm Thắng).

"Nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng mở để đổi mới tổ chức hoạt động của các cơ quan thuộc Chính phủ với tính chất cơ quan thực thi chính sách, hoạt động độc lập với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước", Bộ Nội vụ nêu quan điểm khi sửa luật.

Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng. Cụ thể, bổ sung và hoàn thiện quy định tại Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, nhằm thống nhất với thẩm quyền của Thủ tướng về công tác cán bộ theo quy định của Đảng và các luật có liên quan.

Dự thảo sẽ làm rõ phạm vi trách nhiệm của Thủ tướng trong lãnh đạo của Chính phủ, lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật phù hợp với việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp với cơ quan thực hiện quyền lập pháp và cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Ngoài ra, dự thảo đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện Điều 33 luật hiện hành.

Bộ Nội vụ mong muốn bổ sung các quy định sẽ đề cao trách nhiệm Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho Thủ tướng  quyết định các vấn đề cụ thể thuộc phạm vi quản lý Nhà nước đã được Chính phủ phân công cho Bộ, ngành mình quản lý.

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ cho thấy việc phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, có mặt bất cập.

Đặc biệt, việc quy định Chính phủ, Thủ tướng quyết định nhiều vấn đề cụ thể; thiếu đồng bộ về thẩm quyền quyết định và các nguồn lực, điều kiện đảm bảo thực hiện.

Từ đó, cơ quan soạn thảo nhận định chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo của các địa phương - nhất là các địa phương tự bảo đảm ngân sách và có vị trí, vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

"Vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các Bộ, ngành ngay trong các luật chuyên ngành, đặc biệt là việc quy định một số Bộ, ngành cùng tham gia quản lý về một ngành, lĩnh vực, vừa chưa bảo đảm sự thống nhất quản lý của Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), vừa thiếu nhất quán trong việc thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm.

Điều này làm phát sinh sự giao thoa, chồng chéo trong phân công nhiệm vụ, dẫn đến nhiều việc phải dồn lên Thủ tướng quyết định hoặc phải thành lập nhiều Ban Chỉ đạo liên ngành để giải quyết", Bộ Nội vụ nêu trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp.

Dự kiến, dự thảo luật được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu vào tháng 4/2026. Thời gian dự kiến Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật vào tháng 10/2026.