Để xảy ra oan sai do chạy đua thành tích làm án (!)
(Dân trí) - Đây là một nguyên nhân quan trọng mà Đoàn giám sát của UB Thường vụ Quốc hội khái quát sau cuộc giám sát về tình hình án oan sai. Cán bộ tố tụng cũng còn bảo thủ, định kiến, kém về phẩm chất, đạo đức, yếu về chất lượng, năng lực…
Sáng 10/4, UB Thường vụ Quốc hội dành thời gian nghe, thảo luận về báo cáo Kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Oan sai không nhiều nhưng hệ quả nghiêm trọng
Báo cáo của UB Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện – Phó Trưởng đoàn giám sát trình bày nhận định, hiện tượng này những năm gần đây đã giảm so với trước đây. Dù vậy, việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.
Số liệu cụ thể, trong diện 219.000 vụ việc khởi tố, điều tra với 338.000 bị can đoàn giám sát đã xem xét, số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm (2011-2013) là 71 trường hợp, chiếm 0,02%. Trong đó, CQĐT đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; VKS đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội, 19 trường hợp bị TA tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngoài các trường hợp bị oan này, qua giám sát cho thấy còn có những trường hợp có dấu hiệu làm oan người vô tội trong các trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do hành vi không cấu thành tội phạm, do miễn trách nhiệm hình sự.
Điểm những vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc dư luận, UB Thường vụ Quốc hội nhận xét, có những vụ án xảy ra từ những năm trước, đến nay có vụ đã được giám đốc thẩm, xử lại cơ bản và khắc phục được những thiếu sót, vi phạm. Vụ án Lê Bá Mai (Bình Phước) được khẳng định là không sai. Vụ Hồ Duy Hải (Long An) có vi phạm về thủ tục, đang được xem xét.
Những vụ án được nhiều cử tri quan tâm như vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) bị kết án chung thân về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án chung thân về tội “Giết người”; vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang) bị kết án tử hình về tội “Hiếp dâm trẻ em” và “Giết người” và vụ Đỗ thị Hằng (Bắc Giang) bị kết án về tội “Mua bán phụ nữ” chưa có căn cứ xác định bị oan nhưng đã xác định có những vi phạm nghiêm trọng trong điều tra, truy tố, xét xử. Hiện nay các vụ án này đang điều tra lại.
Các loại án thường dẫn đến oan sai được chỉ ra là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do chủ quan của một số cơ quan tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bức cung, nhục hình diễn ra ngay sau tạm giữ
Báo cáo giám sát dành dung lượng lớn để phân tích những oan, sai thuộc trách nhiệm của CQĐT.
Đề cập đến những thiếu sót, vi phạm trong việc bắt, tạm giữ hình sự, tạm giam, Đoàn giám sát việc bắt, tạm giữ hình sự chưa có căn cứ do hạn chế năng lực cán bộ. Việc áp dụng biện pháp tạm giam còn nhiều (chiếm tỷ lệ 62,74% tổng số bị can); có nơi tỷ lệ này khá cao như tỉnh Tiền Giang 73%, riêng thành phố Mỹ Tho lên tới 90%. Nhiều trường hợp tạm giam không đủ căn cứ hoặc không cần thiết cũng ra lệnh bắt giam.
Trong quản lý tạm giam, tạm giữ, CQĐT còn để xảy ra 78 trường hợp tự sát, 6 trường hợp chết do đánh nhau. Nguyên nhân chính là do quá tải nơi giam giữ và trách nhiệm của người quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam chưa cao. Đoàn giám sát dẫn chứng, nhà tạm giữ Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) có lúc cả tạm giữ và tạm giam trên 600 người.
Trong quá trình tạm giam, tạm giữ điều tra, UB Thường vụ đề cập tình hình bức cung, nhục hình. Đoàn giám sát nhận định, CQĐT còn để xảy ra một số trường hợp bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm và dễ dẫn đến oan, sai. Trong kỳ giám sát, có 46 đơn tố cáo về bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, trong đó đã giải quyết 40 đơn. Có 26 vụ/40 bị can nguyên là cán bộ Công an bị tố cáo về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có 12 vụ/26 bị can về tội dùng nhục hình.
Lưu ý về những vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết người, gây bức xúc trong dư luận, Đoàn giám sát nhắc đến vụ công an Sóc Trăng ép bị can Trần Văn Đở và 6 người khác phải khai theo ý chí của mình về vụ án giết người, cướp tài sản, dẫn đến việc khởi tố, bắt giam 7 người, vụ 5 công an ở Phú Yên nhục hình dẫn đến cái chết của Ngô Thanh Kiều; điều tra viên ở Bắc Giang nhục hình nghiêm trọng đối với bị can Nguyễn Thị Nguyệt Nga. Cả ba vụ nhục hình này đều được khởi tố, điều tra xử lý hình sự.
Có nơi Điều tra viên còn dụ cung khi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can.
“Qua giám sát cho thấy, các hành vi bức cung, dùng nhục hình thường diễn ra ngay sau khi tạm giữ hoặc khi lấy lời khai đối tượng mà không nhận tội. Việc tố giác bức cung, nhục hình và việc điều tra chứng minh việc bức cung, dùng nhục hình thường gặp khó khăn do hành vi phạm tội xảy ra tại địa điểm, bối cảnh đặc biệt, khép kín. Nhiều trường hợp khi ra tòa bị cáo mới khai bị bức cung, nhục hình hoặc khi người bị tạm giữ chết và có tố cáo gay gắt thì mới được phát hiện” – báo cáo giám sát nêu rõ.
Không so dấu chân, không thu hung khí
Oan sai trong việc khởi tố bị can được UB Thường vụ Quốc hội chỉ ra ở khía cạnh, việc khởi tố nhiều trường hợp chưa chính xác, thiếu căn cứ, tiềm ẩn nguy cơ làm oan, bỏ lọt tội phạm. Theo báo cáo, VKS các cấp đã hủy bỏ 795 quyết định khởi tố bị can; yêu cầu khởi tố 1.366 bị can; thay đổi tội danh 428 bị can. Đáng lưu ý vi phạm trong việc khởi tố bị can có chiều hướng gia tăng, năm sau nhiều hơn năm trước.
Thiếu sót, vi phạm trong khâu thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án được liệt kê với nhiều trang báo cáo, hàng loạt vụ án được điểm tên. Đối với loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, Quá trình khám nghiệm không thu thập, giám định không làm rõ những dấu vết, chứng cứ quan trọng từ hiện trường, tử thi, dấu vết con người của thủ phạm (như những vật chứng là hung khí vụ án, dấu chân, vân tay, lông, tóc sợi...), không xác định chính xác thời gian chết của nạn nhân.
Đoàn giám sát cũng chỉ lỗi của CQĐT do quá tin vào lời khai nhận của bị can, chưa chú trọng phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ khác ngay từ đầu (lấy lời khai người làm chứng, nhận dạng, đối chất...) nên khi bị can phản cung hoặc bị hại thay đổi lời khai thì lúng túng, quá trình điều tra lại gặp rất nhiều khó khăn.
Hồ sơ vụ án thể hiện nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (biên bản ghi lời khai bị tẩy xóa, sửa chữa, thiếu khách quan, không kịp thời giải quyết khiếu nại kêu oan, đơn tố cáo bị bức cung, nhục hình...).
Đây được nhận định là nguyên nhân cơ bản dẫn đến một số vụ oan, sai nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Đoàn giám sát dẫn chứng vụ Nguyễn Thanh Chấn, CQĐT đã bỏ qua chứng cứ ngoại phạm là tại thời điểm xảy ra vụ án có 2 nhân chứng xác nhận ông Chấn còn bấm giùm điện thoại cho người khác gọi.
Vụ Huỳnh Văn Nén, quá trình điều tra không có nhân chứng, không thu thập được dấu vết, vật chứng. Nén được xác định dùng dây thừng siết cổ bà Bông nhưng sợ dây mà CQĐT thu giữ được lại là sợi dây khác. Hai dấu vết chân có kích thước khác nhau thu được tại hiện trường, giám định không trùng với kích thước dấu chân của Nén…
Vụ Hồ Duy Hải (Long An), quá trình khám nghiệm hiện trường không chú xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân vụ như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án thì đã bị thất lạc không tìm lại được.
Vụ Đỗ Minh Đức (Hải Phòng) bị kết án về tội “Giết người” nhưng chứng cứ để kết tội bị cáo rất yếu, chỉ có lời khai gián tiếp của đồng bọn về việc Đức tự khoe là người đâm người bị hại, để só chứng cứ nên đến nay không thể lấy được vân tay trên chuôi dao là vật chứng đâm chết nạn nhân để giám định…
P.Thảo