1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đắk Lắk:

Đê vỡ suốt 6 tháng không sửa, mất “oan” hơn 50 tỉ đồng

(Dân trí) - Gần 1.300 hecta lúa đông xuân 2011 - 2012 của 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã “biến mất” hoàn toàn bởi một đoạn đê dài 32m bị vỡ suốt nửa năm nay mà không được sửa.

Mưa là ngập…

 

Đường Suối Cụt xã Đắk Liêng rộng 8m, dài 3km là tuyến đường giao thông huyết mạch bắt đầu từ thôn Hòa Bình 3, đi qua cánh đồng 150ha của xã Đắk Liêng, phục vụ sản xuất cho gần 1.300 hecta lúa của 3 xã nói trên. Đây là con đường bà con nông dân vận chuyển máy nông nghiệp, thu hoạch lúa và phân bón, vào khoảng 28.000 tấn hàng hóa mỗi vụ, đảm bảo cuộc sống cho 1.500 hộ dân sống thuần nông.
 
Đê vỡ suốt 6 tháng không sửa, mất “oan” hơn 50 tỉ đồng

Đập Suối Cụt xã Đắk Liêng vỡ một đoạn 32m đã nhiều tháng nay gây ngập úng hàng nghìn hecta lúa.

 

Tháng 10/2011, ảnh hưởng của đợt mưa lũ, đoạn đường này đã vỡ một đoạn dài 32m, sâu hơn 10m, mang toàn bộ lượng nước trên sông Krông Na ngập tràn mọi cánh đồng của 3 xã này, đe dọa tới an toàn tính mạng cũng như tài sản của người dân.

 

Mới đây nhất, chỉ trong 3 ngày (31/3-2/4/2012) bão số 1 gây mưa vừa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khiến mực nước sông Krông Na lên to, tiếp tục dồn nước chảy vào đoạn đập canh vỡ trên, làm gần 1.300 hecta lúa đông xuân đang ở giai đoạn trổ, vào mẩy của nông dân ngập úng hoàn toàn. Hàng nghìn hộ dân hầu như mất trắng nông sản. Trong đó, xã Đắk Liêng ngập lụt 150 hecta; xã Buôn Tría ngập lụt 350 hecta; nặng nhất là xã Buôn Triết ngập lụt 750 hecta…

 

Người nông dân điêu đứng!

 

Trên con đường làng ngoằn ngoèo uốn lượn, anh Tri Công Nghĩa (33 tuổi) - trưởng thôn Sơn Cường (xã Buôn Triết) dẫn chúng tôi vào xem tình hình lúa ngập úng của bà con trong xã. Đến cánh đồng, anh Nghĩa hướng tầm mắt xa xăm: “Đây là cánh đồng xã Buôn Triết, năng suất 7 tấn/hecta, nay sau vài trận mưa lớn mà hoang tàn vậy đây. Cơn bão số 1 vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly làm hàng nghìn nông dân nghèo canh tác trên cánh đồng này mất trắng 90% diện tích lúa”.

 

Đứng ngây ra một lúc, anh Nghĩa hướng về những thửa lúa nhà mình cũng bị ngập úng, ủ rũ nói tiếp: “Diện tích lúa nhà tôi 1,4 hecta, mọi năm thu được 11-12 tấn, vừa qua ngập úng chỉ thu được 6 sào hơn 2 tấn. Cả gia đình 7 miệng ăn cả năm chỉ mỗi vụ đông xuân này. Lúa đang giai đoạn đỏ đuôi mà chỉ vài trận mưa lớn sông Krông Na tràn bờ qua đập Suối Cụt bỗng nhiên mất trắng. Thảm quá!”.
 
Đê vỡ suốt 6 tháng không sửa, mất “oan” hơn 50 tỉ đồng
Anh Tri Công Nghĩa (33 tuổi) - trưởng thôn Sơn Cường, xã Buôn Triết - oằn mình trên ruộng lúa 1,4 hecta ngập úng.

 

Để chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh bà con miền quê nghèo chỉ sau vài hôm đã bị lũ cuốn trôi toàn bộ gia tài, anh Nghĩa dẫn chúng tôi đến hộ bà Phạm Thị Tích (63 tuổi, thôn Sơn Cường, xã Buôn Triết), chị Nguyễn Thị Mừng (47 tuổi, thôn Sơn Cường), ông Trần Trọng Phan (67 tuổi), ông Đinh Văn Binh (61 tuổi, thôn 3, xã Đắk Liêng)... Hộ nào cũng đang rơi vào tình trạng điêu đứng, khốn quẫn vì lúa hầu như mất trắng, đứng trước nguy cơ thiếu ăn, nợ nần.

 

“Khi lúa mới ngập thì đang trổ đòng, chúng tôi không thể gặt được. Bây giờ sự đã rồi, bà con chúng tôi đang đánh vật với gạo ăn từng bữa. Hơn 9 sào lúa giờ mất trắng, chỉ biết gặt về cho heo ăn đỡ xót của. Chúng tôi khẩn thiết mong các cấp lãnh đạo quan tâm…”, ông Đinh Văn Binh chia sẻ.

 

Chúng tôi tìm gặp Chủ tịch UBND xã Buôn Triết - ông Nguyễn Đăng Trọng. Ông Trọng cho chúng tôi xem bản danh sách hàng nghìn nông dân đang cần được hỗ trợ gạo cứu đói của xã. Ông nói: “Xã chúng tôi đang cần hỗ lương thực để cứu đói cho bà con bởi nhiều hộ gần như mất trắng 100%, chúng tôi mong muốn cấp trên đắp đê bao để bà con yên tâm sản xuất, cung cấp giống mới để kịp thời gieo vụ hè thu”.
 
Đê vỡ suốt 6 tháng không sửa, mất “oan” hơn 50 tỉ đồng
Bản danh sách dài dằng dặc những hộ dân bị thiệt hại, cần được hỗ trợ

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Lắk, cho hay: “Ước tính gần 1.300 hecta lúa nước tương đương khoảng 8.900 tấn lúa của bà con không thể thu hoạch. Mức thiệt hại chúng tôi quy về tiền mặt là hơn 53 tỉ đồng”.

 

Biết vậy, nhưng nửa năm nay, không hiểu sao lãnh đạo các cấp tỉnh Đắk Lắk vẫn để mặc cho dân “vùng vẫy” mưu sinh trên những cánh đồng ngập úng. Phòng NN-PTNT huyện Lắk đã hai lần tham mưu cho UBND huyện này làm tờ trình gửi UBND tỉnh Đắk Lắk xin chủ trương đầu tư, sửa chữa đoạn đê bị vỡ nhưng không được hồi âm. Ước tính chi phí để sửa chữa, kiên cố 32m đường này vào khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần có một đoạn đê bao dài khoảng 1km chạy dọc theo sông Krông Na mới kiểm soát được lũ từ con sông này.

 

Được biết, hiện những hộ nông dân mất trắng nông sản của 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết đang được khoanh nợ ngân hàng, hỗ trợ gạo cứu đói và giống mới để tiếp tục sản xuất vụ hè thu.

 

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm